SOG COMMANDERS at PentagonCHƯƠNG MỘT
NẾU HỌ LÀM ĐƯỢC THÌ CHÚNG TA CŨNG LÀM ĐƯỢC
Vào buổi sáng chủ nhật, ngày 28 tháng Giêng năm 1961, tổng thống vừa tuyên thệ nhận chức John F. Kenedy chủ toạ cuộc họp đầu tiên của Hội đồng an ninh quốc gia để thảo luận về tình hình Việt Nam. Tin tức rất xấu, và do chính một người có hiểu biết sâu về Việt Nam đồng thời là một chuyên gia chống chiến tranh du kích do cộng sản phát động báo cáo.
Edward Geary Lansdale là một chuẩn tướng không quân khác thường. Vốn là cựu binh của Văn phòng tình báo chiến lược (OSS) trong chiến tranh thế giới thứ hai và một người chỉ huy giàu kinh nghiệm các hoạt động bí mật của Cục tình báo Trung ương (CIA), Lansdale đã trở thành huyền thoại về vai trò của ông trong chiến dịch chống nổi loạn rất thành công ở Philippines đầu những năm 50. Lansdale đã giúp Ramon Magsaysay đánh bại cuộc nổi loạn cộng sản Huk.
Với những kinh nghiệm còn nóng hổi, ông được tổng thống Dwight D. Eisenhower cử sang Việt Nam khi chế độ thuộc địa Pháp sụp đổ, đánh dấu bằng sự đầu hàng tại Điện Biên Phủ ngày 7 tháng 5 năm 1954. Nhiệm vụ ban đầu của Lansdale là vạch kế hoạch và tiến hành chiến dịch hoạt động ngầm chống lại chế độ cộng sản mới ở Hà Nội. Mặc dù những nỗ lực này không thành công, ông tiếp tục ở lại Việt Nam cho đến năm 1956 và trở thành bạn thân và người tin cẩn của Ngô Đình Diệm, tổng thống tương lai của Nam Việt Nam.
Lansdale vừa mới trở về sau chuyến đi tìm hiểu tình hình hai tuần ở Việt Nam đầu tháng Giêng năm 1961 và được mời đến để thuyết trình với Hội đồng an ninh quốc gia về những gì ông thu thập được. Kenedy đã đọc báo cáo chuyến đi của Lansdale và lưu ý các thành viên của Hội đồng rằng "lần đầu tiên, có một bản báo cáo cho ông cảm giác về mối nguy hiểm và tính khẩn cấp của vấn đề Việt Nam". (Quan hệ đối ngoại của Hoa Kỳ, 1961-1963: Việt Nam, Tập 1 (Washing- ton DC, Nhà in chính phủ, 1988), sau đây viết tắt là FRUS, tr.16.)
Lansdale trình bày một cách thẳng thắn. Ông nói với Hội đồng an ninh quốc gia rằng "bắt đầu từ tháng 12 năm 1959 cho đến nay, ở khắp miền Nam các hoạt động du kích và chống trả của Việt Cộng ngày càng gia tăng". Việt Cộng với sự hậu thuẫn của Hà Nội tiến hành "bắt cóc và sát hại các quan chức ở xã ấp, phục kích và tấn công vũ trang". Mục tiêu của Bắc Việt Nam là "sáp nhập Nam Việt Nam vào khối cộng sản” (Sđd. tr.5-6). Trong chuyến thị sát, Lansdale hầu như không thấy điều gì có thể mang lại hy vọng, Hà Nội và Việt Cộng đang áp sát và trong điều kiện đó, chính quyền Sài Gòn không thể làm chậm chứ đừng nói đến việc ngăn chặn ngày tận thế đang đến gần.
Lansdale đệ trình "Kế hoạch chống nổi loạn cơ bản cho Việt Nam" đã được toà đại sứ Mỹ ở Sài Gòn gửi cho Washington đầu tháng Giêng năm 1961(Kế hoạch này do Nhóm công tác quốc gia soạn thảo năm 1960, được phê duyệt 28-1-1961 mà không có những bất đông lớn trong Hội đồng an ninh quốc gia). Bản báo cáo đã đề nghị cần có những thay đổi cơ bản trong phương pháp đối phó với tình trạng nổi loạn của chính phủ Diệm. Các lực lượng chống du kích và chương trình cải cách dân sự là cần thiết để đánh bại Việt Cộng và giành sự ủng hộ và trung thành của nông dân. Hoa Kỳ có thể cung cấp viện trợ cho các chương trình này, nhưng Sài Gòn phải cộng tác. Trên nhiều khía cạnh, kế hoạch này phù hợp với quan điểm của Tổng thống và nhiều cố vấn thân cận của ông. Họ tin rằng giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh du kích, một cuộc chiến không giới tuyến hoặc chiến trường, đòi hỏi những chính sách và chiến lược mới. Mọi điều ở Nam Việt Nam cần phải được thay đổi.
Thách thức lần này phức tạp và khó khăn hơn rất nhiều so với cuộc nổi loạn ở Philippines mà Lansdale đã giúp đánh bại. Ở Philippines, vấn đề chỉ là cuộc lật đổ cộng sản mang tính nội bộ do Huk lãnh đạo và chiến tranh du kích. Ở Nam Việt Nam, Việt Cộng đang áp dụng những hoạt động tương tự, nhưng không giống như Huk, họ nhận được sự trợ giúp và chỉ đạo từ Hà Nội. Sự trợ giúp từ bên ngoài này là sự khác biệt có tính chất cốt lõi giữa hai tình huống.
Kế hoạch chống nổi loạn tìm cách vô hiệu hoá và đánh bại thách thức của Việt Cộng ở Nam Việt Nam, một nhiệm vụ sẽ đơn giản đi rất nhiều nếu như sự giúp đỡ của Bắc Việt Nam bị loại trừ. Điều gì có thể thuyết phục Hà Nội rằng việc giúp đỡ Việt Cộng là không phù hợp với lợi ích của họ? Tại cuộc họp của Hội đồng an ninh quốc gia, Tổng thống đặt ra câu hỏi liệu hoạt động du kích có thể được tiến hành trong lòng Bắc Việt Nam hay không. Allen Dulles, giám đốc CIA, báo cáo hiện có một số hoạt động hạn chế đang được thực hiện để giúp tổ chức du kích của Nam Việt Nam đủ khả năng quấy rối Bắc Việt Nam. Nhưng ông thừa nhận rằng mới chỉ có bốn toán, mỗi toán tám người được thành lập dưới sự giám sát của CIA và các toán này không được bố trí và hoạt động thường xuyên ở miền Bắc. Nhiệm vụ của họ là quấy phá ở vùng biên giới Bắc Việt Nam. Kenedy được báo cáo là "các toán này được phân công hoạt động ở các địa bàn phía nam" và "chuyển sang biên với Lào".(FRUSm 1961-1963, tr. 17) Đây là những nỗ lực rất hạn chế và khó có thể làm nản lòng Hà Nội trong cuộc đấu tranh thống nhất Việt Nam.
Kenedy không hài lòng với những cố gắng của CIA và tuyên bố ông muốn "có du kích hoạt động ở miền Bắc" (FRUSm 1961-1963, tr. 17). Đây chính là điểm khởi đầu những gì về sau trở thành chiến dịch hoạt động ngầm lớn nhất và phức tạp nhất mà Chính phủ Mỹ thực hiện trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Từ 1964 đến 1972, chiến dịch này do quân đội chứ không phải CIA thực hiện và bao gồm việc tạo ra mạng lưới điệp viên, phong trào chống đối giả tạo, hoạt động đánh lạc hướng, chiến tranh tâm lý, hoạt động trên biển và các hoạt động thám báo qua biên giới.
Chiến dịch hoạt động ngầm bắt đầu vào một sáng chủ nhật tháng Giêng năm 1961 khi vị tân Tổng thống quyết định gửi một bức thông điệp cho Hà Nội là họ sẽ trả giá cho hoạt động lật đổ ở miền Nam. Trên thực tế, điều mà John F. Kenedy muốn nói là: hãy cho miền Bắc nếm thử những gì họ đang làm đối với chúng ta ở miền Nam và làm ngay lập tức.
HOẠT ĐỘNG NGẦM VÀ CHIẾN TRANH ĐẶC BIỆT:
NHỮNG VŨ KHÍ MỚI CỦA CUỘC CHIẾN TRANH LẠNH
Vào những năm 1950, John F. Kenedy là một phần của dàn đồng ca gồm các nhân vật chính trị, sĩ quan quân đội, và học giả - những người tin rằng Hoa Kỳ cần triển khai những công cụ và chiến thuật mới để chiến đấu trong cuộc chiến tranh lạnh. Ở Đông-Nam Á, châu Mỹ La tinh và những nơi khác thuộc thế giới thứ ba, mối đe doạ đang nổi lên là chiến tranh du kích của cộng sản. Cuộc chiến tranh đó vạch ra ranh giới xung đột giữa Đông và Tây và Hoa Kỳ cần phải chuẩn bị sẵn sàng. Khi là tổng thống, mối quan tâm cá nhân của John F. Kenedy đối với chiến tranh du kích được nhiều người biết đến. Trong ngôn ngữ quân đội và theo học thuyết quân sự, những công cụ và chiến thuật mới bao gồm ba yếu tố: chống bạo loạn, chiến tranh không quy ước và hoạt động chiến tranh tâm lý.
Người ta đã viết rất nhiều về sự nhiệt tình của chính quyền Kenedy đối với việc chống bạo loạn. Doughlas Blaufarb, cựu nhân viên cao cấp về hoạt động bí mật của CIA tại Lào và từng là trưởng trung tâm CIA tại Lào vào giữa những năm 1960 đã coi những năm dưới quyền Kenedy là kỷ nguyên chống bạo loạn. Công việc này liên quan tới những cố gắng có hệ thống để đánh bại du kích bằng việc sử dụng chính chiến thuật của họ. Một câu nói thường được nhắc đi nhắc lại trong những năm đầu 60 là bạn phải "phỗng tay trên của du kích". Một chuyên gia về các hoạt động này giải thích rõ hơn: "Điều cần thiết là phải tránh được vũ khí cách mạng, chấp nhận và cải tiến chúng theo mục đích sử dụng của mình rồi dùng chính những vũ khí ấy chống lại cách mạng"(1).
Trong khi việc chống bạo loạn được nhận sự quan tâm của công chúng, Kenedy cũng không kém phần bận rộn với chiến tranh không quy ước. Theo các nhà quân sự của đầu những năm 60, chiến tranh không quy ước được thực hiện "trong lãnh thổ do kẻ địch nắm giữ và chiếm đóng" với mục tiêu "tận dụng lợi thế hoặc kích động phong trào chống đối chống lại chính phủ thù địch"(2). Đây chính là những việc mà OSS đã tiến hành trong chiến tranh thế giới thứ hai ở châu Âu và châu Á. Đó là việc thúc đẩy các hoạt động bán quân sự ở trong lãnh thổ đối phương bằng cách tổ chức và hỗ trợ phong trào chống đối du kích ở vùng dân tộc. Thông qua các hoạt động này, chiến tranh không quy ước làm suy yếu chính phủ đối phương bằng việc giảm hiệu quả hoạt động quân sự, khả năng kinh tế, sự ổn định và tinh thần của đối phương.
Một thành tố quan trọng của chiến tranh không quy ước là chiến tranh tâm lý. Nó bao gồm "các hoạt động và chiến dịch được vạch ra và thực hiện nhằm tác động vào quan điểm, tình cảm, thái độ và hành vi của kẻ địch và dân chúng"(3). Thật là dễ dàng nhận thấy sự hấp dẫn của chiến tranh không quy ước đối với Kenedy. Đây cũng chính là điều ông muốn tiến hành sâu trong lòng Bắc Việt Nam.
Sự ủng hộ của Kenedy đối với chiến tranh đặc biệt còn là một phần trong việc chỉ trích chính sách an ninh quốc gia nói chung và học thuyết trả đũa hàng loạt nói riêng của Eisenhower. Chính quyền Eisenhower nhận định rằng Hoa Kỳ có thể sử dụng ưu thế về kỹ thuật và công nghệ để xác định cách thức đối phó với đe doạ và thách thức của kẻ thù. Công nghệ có thể thay thế cho nhân lực và vũ khí hạt nhân tối tân có thể ngăn chặn tất cả mọi mưu kế của Liên Xô và khối cộng sản.
John Foster Dulles, Ngoại trưởng của Eisenhower và là người cổ động nhiệt tình cho học thuyết trả đũa hàng loạt đã phát biểu trước Hội đồng đối ngoại rằng: "Kẻ xâm lược tiềm tàng phải biết rằng hắn sẽ không thể áp đặt điều kiện chiến trường phù hợp cho mình". Ngược lại "chúng ta sẽ tận dụng khả năng tấn công chiến lược bằng vũ khí hạt nhân tối tân để ngăn chặn mọi nỗ lực trực tiếp hay gián tiếp tổng lực hay cục bộ của cộng sản nhằm giành lợi ích đối với Mỹ"(4). Hay nói một cách khác, Hoa Kỳ chứ không phải đối phương quyết định cách thức, thời gian và chiến trường cho cuộc chiến.
Trong từ vựng thuật ngữ quân sự, trả đũa hàng loạt là một chiến lược đa năng mà những người ủng hộ tin rằng có thể sử dụng chống lại mọi loại hình thách thức quân sự. Như tổng thống Eisenhower tuyên bố vào năm 1955: "Tôi không thấy có lý do tại sao vũ khí hạt nhân lại không được sử dụng tương tự như bạn sử dụng một viên đạn hoặc vũ khí khác”(5).
Kenedy không tin như vậy. ông nghi ngờ việc học thuyết này có thể sử dụng để chống lại chiến tranh du kích và cho rằng cần thiết phải có sự đánh giá lại một cách kỹ lưỡng về mặt chiến lược. Chiến lược không cân xứng chỉ đưa ra một số ít các giải pháp cho một thế giới phức tạp của chiến tranh gián tiếp và thách thức không quy ước. Kenedy lập luận: "Những sự kiện ở Đông Dương và những nơi khác đã làm sụp đổ những luận cứ nền tảng của học thuyết trả đũa hàng loạt; việc chúng ta không tập trung đối phó với các vụ phục kích hay chiến tranh du kích mà chỉ đe doạ trả đũa hạt nhân, trên thực tế đã tạo điều kiện cho cộng sản bành trướng ở những nơi như Đông Dương thông qua những chiến thuật tấn công không đến mức làm cho chúng ta phát động chiến tranh hạt nhân"(6). Học thuyết trả đũa hàng loạt không đủ tin cậy. Liệu có ai tin rằng Mỹ sẽ dùng vũ khí hạt nhân để đối phó với chiến tranh du kích? Kenedy đã nhận xét một cách châm biếm rằng ông thật khó hình dung là Mỹ sẽ "phát động chiến tranh hạt nhân chống lại bạo loạn cộng sản ở Miến Điện"(7). Lời chỉ trích này là thoả đáng. Hoa Kỳ cần nhiều hơn, chứ không phải ít đi, các phương án để đối phó một cách linh hoạt với các thách thức đa dạng. Theo Kenedy, các phương án cần phải tương xứng. Vì vậy ông đã dành nhiều quan tâm cho việc tăng cường các yếu tố bí mật và công khai của chiến tranh đặc biệt. Trong hai tháng đầu của nhiệm kỳ tổng thống, việc chỉ trích Eisenhower là điểm trọng tâm để nhấn mạnh yêu cầu cần có giải pháp mới. Trong diễn văn trước Quốc hội tháng 3 năm 1961, tổng thống nhận xét: "kể từ năm 1945, chiến tranh phi hạt nhân và chiến tranh du kích đã trở thành mối đe doạ thường trực và nổi nhất đối với thế giới tự do". Chúng ta đã có "khả năng lớn hơn để đối phó với lực lượng du kích, bạo loạn và lật đổ...Giờ đây chúng ta cần phải sẵn sàng đối phó với mọi quy mô lực lượng, bao gồm cả những lực lượng nhỏ được nước ngoài hỗ trợ, và chúng ta phải huấn luyện lực lượng tại chỗ đạt được mức độ tương đương"(8 ). Tháng Sáu năm 1962, ông nói với các học viên vừa tốt nghiệp Học viện Quân sự Westpoint rằng Hoa Kỳ cần "một chiến lược hoàn toàn mới" để đương đầu với những thách thức đó(9).
Kenedy tập hợp quanh mình những cố vấn cao cấp- những người cổ vũ cho chiến tranh đặc biệt và những giải pháp hoạt động bí mật. Việc lựa chọn Maxwell Taylor làm cố vấn quân sự là một minh chứng cụ thể. Taylor là người hiểu rõ vấn đề cả về mặt lý luận và kinh nghiệm thực tiễn. Taylor đã hoạt động ở sau giới tuyến ở Ý và nhảy dù xuống Pháp trong chiến tranh thế giới lần thứ hai. Tại Triều Tiên, ông tổ chức các hoạt động du kích ở vùng núi Chirisan năm 1953. Ông là người phê phán mạnh mẽ chiến lược của Eisenhower. Những lập luận chỉ trích của ông được tập hợp trong một cuốn sách được tuyên truyền rộng rãi mà Kenedy đã đọc và thích thú. Năm 1961, trong một bài viết đăng trên tạp chí Ngoại giao, Taylor kêu gọi Mỹ phải phát triển khả năng đối phó với hoạt động lật đổ du kích ở Thế giới thứ ba. Maxwell Taylor là một vị tướng mà tân tổng thống đang tìm kiếm. Ông hiểu những gì cần được thực hiện.
McGeorge Bundy là trợ lý đặc biệt của tổng thống về các vấn đề an ninh quốc gia, một cương vị mà sau đó Bundy đã xác lập lại tầm quan trọng. Kenedy chọn Bundy vì ông mang hình ảnh của một nhà hoạt động năng nổ và cứng rắn mà Kenedy đang cần. Bundy thường được mô tả là người sắc sảo, xông xáo và sẵn sàng sử dụng vũ lực. David Halberstam đã viết rằng Bundy là một phần của “trường phái siêu thực cực đoan. Những người theo trường phái này tin rằng họ cứng rắn, rằng họ biết rõ thế giới thực sự như thế nào, và vũ lực cần được chấp nhận như là một yếu tố cơ bản của ngoại giao". Đối với Bundy, hoạt động ngầm là một phần của cuộc chơi, là một công cụ "của thủ đoạn chính trị ngoại giao"(10). Bundy là chủ tịch của Ủy ban 303 mà quyền hạn của nó bao gồm việc giám sát tất cả các hoạt động ngầm của Mỹ, trong đó có các hoạt động của CIA và quân đội chống Bắc Việt Nam. Uỷ ban này được thành lập năm 1961 sau sự kiện Vịnh Con lợn vì Kenedy muốn có sự kiểm soát chặt chẽ các hoạt động bí mật.
Bộ trưởng Quốc phòng của Kenedy, Robert McNamara, thường được coi là người gắn liền với sự leo thang của chiến tranh thông thường ở Việt Nam kể từ năm 1965. Tuy nhiên, ông cũng là người ủng hộ tích cực việc sử dụng các biện pháp không tương xứng để đối phó với chiến tranh du kích và hoạt động ngầm của cộng sản. Trong năm 1961, McNamara, với sự thúc giục của Kenedy, đã tăng gấp đôi lực lượng đặc biệt và hướng lực lượng này vào các nhiệm vụ chống bạo loạn và chiến tranh không quy ước. Sau thất bại ở Vịnh Con lợn, McNamara đứng đằng sau quyết định chuyển giao những hoạt động ngầm có quy mô lớn từ CIA sang Bộ Quốc phòng. Năm 1963, ông đóng vai trò cốt yếu trong việc dự thảo và phê duyệt một chương trình hoạt .động ngầm mới do giới quân sự chỉ đạo chống lại Hà Nội.
Người tiếp theo là Walt Rostow, phó và sau đó là người kế nhiệm của Bundy. Vốn là nhà kinh tế của Học viện công nghệ Massachusetts, ông là một gương mặt lý luận hàng đầu về chiến tranh đặc biệt và hoạt động ngầm. Cuốn sách của ông, "Các giai đoạn của tăng trưởng kinh tế", đã đề xuất một cuộc tấn công vào tận gốc của bạo loạn và lật đổ cộng sản nhằm ngăn chặn chúng trước khi xảy ra(11). Rostow lập luận rằng Hoa Kỳ cần ở vị thế tấn công chống lại những thách thức mới của cuộc chiến tranh lạnh. Những ý tưởng của Rostow về chiến tranh đặc biệt, viện trợ nước ngoài, và các chiến lược phát triển cho Thế giới thứ ba đã có ảnh hưởng đối với Kenedy trước khi ông trở thành tổng thống. Chính Rostow là người đầu tiên đọc báo cáo về chuyến thăm Việt Nam tháng Giêng năm 1961 của Lansdale và bản báo cáo đã làm ông lo lắng. Ông đã làm mọi cách để cho Kenedy đọc bản báo cáo. Sau cuộc họp của Hội đồng an ninh quốc gia ngày 28-1-1961, Rostow có quan điểm dứt khoát về Việt Nam và thúc đẩy các hoạt động ngầm chống lại Bắc Việt Nam.
Taylor, Bundy, McNamara, Rostow không phải là những người duy nhất. Em trai của tổng thống, Robert Kenedy, cũng là người nhiệt tình ủng hộ việc chống bạo loạn và coi đó là giải pháp cho vấn đề ở Nam Việt Nam. Một nhân vật khác là Roger Hillsman, người khi còn là nhân viên của OSS đã tổ chức các đơn vị du kích ngăn chặn không cho Nhật Bản chiếm đóng Miến Điện trong chiến tranh thế giới lần thứ hai. Những kinh nghiệm thực tế về chiến tranh đặc biệt này cộng với sự quan tâm nghiên cứu của Hillsman đã đưa ông đến với chiến tranh đặc biệt và trở thành người ủng hộ chủ yếu cho học thuyết chống bạo loạn, coi đó như là phương cách để chặn đứng các mối đe doạ du kích của Thế giới thứ ba. William Bundy, một cựu nhân viên CIA và là anh trai của cố vấn an ninh tổng thống, cũng tin vào tầm quan trọng của các hoạt động ngầm. Ngoài ra còn những người khác.
Chiến trường mới của chiến tranh lạnh là Thế giới thứ ba và học thuyết cũng như lực lượng chống bạo loạn là những công cụ quan trọng cho việc thực hiện chính sách của Mỹ trong môi trường ấy. Những nhân vật cao cấp trong chính quyền mới của Kenedy đều nhất trí về nhận định này. Điều quan trọng nhất là quan điểm của họ phù hợp và củng cố thêm quan điểm của tổng thống.
___________________________________________
1. John J. McCuen. "Nghệ thuật của chiến tranh chống lại cách mạng (Harrisburg, Pa. Stackpole Press- 1966). tr- 50
2, 3. “Thuật ngữ của chiến tranh lạnh”-. Tập san thông tin quân đội, tháng 6-1962. tr.53 54
4. John Forster Dulles, "Sự phát triển của chính sách đổi ngoại”, Bản tin Bộ Ngoại giao, 25-1-1954.
5. (Tài liệu công khai của Tổng thống Dwight D. Eisenhower, (Washington DC, Văn phòng đăng ký liên bang 1955) tr. 332)
6, 7. John F. Kenedy, "Tuyển tập các bài phát biểu của Tổng thống trong thời gian phục vụ tại Thượng viện và Hạ viện, (Washington DC. Nhà in chính phủ Hoa Kỳ năm 1964) tr 1002- 1003 , 91
8, 9. Tài liệu công khai của Tổng thống John F. Kenedy, (Washington DC. Nhà máy in chính phủ Hoa Kỳ, 1962). tr. 232-236, 453
10. David Halberstam. “Những ngườí xuất sắc và thông minh nhất” (New York: Ballantine Books. bản 1992) tr. 56
11. W W Rostow, "Các giai đoạn của tăng trưởng kinh tế”, (Cambridge: Trường đại học Cambridge xuất bản, năm 1960)
DI SẢN HOẠT ĐỘNG NGẦM CỦA CIA
Trước năm 1961, hoạt động ngầm bán vũ trang theo dạng Kenedy mong muốn tiến hành trong lòng Bắc Việt Nam mang lại rất ít thành công. Các nhà điều hành của CIA gọi đây là địa bàn bị từ chối: đó là những mục tiêu rất khó xâm nhập chứ đừng nói chuyện lật đổ. Liên Xô, các nước Đông Âu, Trung Quốc cộng sản, Bắc Triều Tiên, Cu Ba và Bắc Việt Nam tất cả đều là địa bàn bị từ chối. Một nhân viên tình báo giàu kinh nghiệm đã gắn cho những nước này nhãn hiệu "nhà nước chống tình báo" vì sự chú ý quá mức đối với an ninh trong nước và kiểm soát dân chúng(1) . Ở đó có nhiều lực lượng tình báo, cảnh sát đối phó với mọi đe doạ về an ninh bất kể là có thật hay được tưởng tượng ra. Việc thành lập phong trào chống đối và mạng lưới điệp viên trong lòng những địa bàn bị từ chối tỏ ra là nhiệm vụ quá khó khăn và thường là không kết quả đối với CIA.
Tuy nhiên kết luận này không đúng với nỗ lực đầu tiên của Hoa Kỳ trong việc sử dụng hoạt động chống đối và bán quân sự ngầm trong chiến tranh thế giới lần thứ hai. Ngày 13-6-1942, sau những tranh luận về hành chính giữa Văn phòng phối hợp thông tin do William Donovan lãnh đạo và Hội đồng tham mưu liên quân, Văn phòng tình báo chiến lược (OSS) được Tổng thống thành lập và đặt dưới sự chỉ đạo của Hội đồng tham mưu liên quân- Đây là một công việc phiền toái cho các tham mưu trưởng, những người hay ngần ngại về hoạt động bán quân sự bí mật. Những hoạt động này không được tiến hành theo những nguyên tắc quân sự truyền thống thông thường, và do đó làm cho giới lãnh đạo quân đội lo ngại. Donovan cho rằng trong thời chiến, hoạt động bán quân sự cần hướng tới và phối hợp với hoạt động quân sự thông thường và OSS nên sáp nhập với quân đội Mỹ(2).
Những hoạt động chiến tranh không quy ước trong lòng lãnh thổ đối phương bao gồm chiến tranh tâm lý, hay hoạt động tác động tinh thần - theo thuật ngữ của OSS, và việc khuyến khích các phong trào chống đối sử dụng chiến thuật du kích. Loại hoạt động thứ nhất nhằm khuyến khích sự phản kháng của người dân và làm giảm sút tinh thần của đối phương. Các biện pháp được sử dụng bao gồm thả truyền đơn, phát sóng từ đài phát thanh bí mật, và trợ giúp phong trào chống đối làm ra các loại tài liệu tuyên truyền để tung vào lãnh thổ bị chiếm đóng. Chiến tranh tâm lý còn gồm cả những thủ đoạn "bẩn thỉu”. Trong đại chiến thế giới thứ hai, “các đường bưu điện giữa Thụy Điển trung lập và phát xít Đức được sử dụng để ngụy tạo ra mối liên hệ giữa một số người Đức được coi là tích cực chống quân đồng minh với âm mưu nổ bom ám sát Hitler ngày 20-6-1944"(3). Rõ ràng nhiều người đã bị xử tử vì những thông tin giả này.
OSS còn hỗ trợ vật chất cho các phong trào chống đối và tìm cách tổ chức và huấn luyện du kích ở lãnh thổ châu Á bị chiếm đóng. Ví dụ, năm 1942, nhiều căn cứ được thành lập ở Ấn Độ, Miến Điện và Xrilanca để tiến hành các hoạt động thám báo và du kích chống lại Nhật Bản. Hoạt động này đã trở thành một phần chủ yếu của chiến tranh không quy ước. Những hoạt động tương tự cũng được tiến hành ở lãnh thổ châu Âu bị chiếm đóng. Ở miền Bắc Ý, bộ phận hoạt động đặc biệt của OSS đã giúp tổ chức phong trào chống đối làm hao tổn nhân lực và vật lực của Đức. Ở Pháp, các toán OSS đã phối hợp với Maquis - Phong trào chống đối Pháp - trước và sau ngày đổ bộ để phân tán và gây rối các lực lượng chiếm đóng Đức. Không nghi ngờ gì nữa, những hoạt động này đã góp phần quan trọng vào chiến thắng của Đồng minh.
Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai , OSS bị giải thể. Tổng thống Harry S. Truman tìm cách giảm thiểu sự dính líu của Mỹ vào các hoạt động bí mật. Ông lập luận: bây giờ là thời bình những biện pháp như vậy không còn cần thiết nữa. Nhưng ước vọng của ông không tồn tại lâu vì chiến tranh lạnh hình thành. CIA được thành lập theo Luật An ninh quốc gia năm 1947. Năm 1948, hai chỉ thị - NSC4 và NSC4A - chính thức giao trách nhiệm hoạt động ngầm cho CIA.
Một chỉ thị khác trong năm 1948, NSC1O-2, thành lập Văn phòng phối hợp chính sách trực thuộc CIA để phát triển và tiến hành các phương thức hoạt động ngầm chống lại Liên Xô và đồng minh của Liên Xô. Theo văn bản này, "Hội đồng an ninh quốc gia -NSC-, sau khi xem xét các hoạt động ngầm của Liên Xô nhằm hạ uy tín và làm thất bại mục tiêu, hoạt động của Hoa Kỳ và các cường quốc phương Tây khác, đã quyết định: các hoạt động công khai ở nước ngoài của chính phủ Hoa Kỳ phải được hỗ trợ bởi hoạt động ngầm"(4).
Hội đồng an ninh quốc gia đã giao cho CIA thực hiện hàng loạt thủ đoạn hoạt động ngầm: "Cụ thể là các hoạt động sẽ bao gồm bất kỳ hoạt động nào liên quan đến: tuyên truyền; chiến tranh kinh tế; hành động phòng ngừa trực tiếp như phá hoại, chống phá hoại, huỷ hoại và sơ tán; và hoạt động lật đổ chống lại các quốc gia thù địch, trong đó có việc trợ giúp cho phong trào kháng chiến ngầm, du kích và các nhóm tị nạn, và hỗ trợ các phần tử chống cộng tại chỗ". Như vậy CIA đã trở thành công cụ qua đó Hoa Kỳ có thể tiến hành các hoạt động chiến tranh không quy ước chống Liên Xô và đồng minh và là giải pháp thay thế trong tình huống chưa đến mức "xung đột vũ trang do lực lượng quân sự thông thường tiến hành"(5).
________________________________________________
1. John Dizak, “Lịch sử của KGB", (Lexington, Mass. Lexington Books, 1988 ) tr. 1-2
2. Anthony Cave Brown biên tập. “Báo cáo chiến tranh đặc biệt của OSS" (New York: Berkeley, 1976) Về Donavan, xin xem Thomas Troy "Donovan và CIA” (Federik Md. ấn phẩm đại học của Mỹ, 1981.
3. John Ranelagh. "Sự vươn lên và suy yếu của CIA”. (New York: Simon và Schuster, 1988), tr. 88.
4, 5. Chỉ thị của Hội đồng An ninh quốc gia 10/2, ngày 18-6-1948 về việc thành lập Văn phòng các đề án đặc biệt.
Những năm cuối thập kỷ 1940 và 1950 thường được nhắc đến như là thời hoàng kim của hoạt động ngầm, một sự đánh giá đúng mức nhưng dễ gây hiểu lầm. Chắc chắn là có những chiến dịch thành công. Những chiến tích này bao gồm sự giúp đỡ của Mỹ đối với châu Âu sau thế chiến thứ hai. Mục tiêu của chính sách đối ngoại lúc đó là ngăn cản sự bành trướng chính trị của cộng sản và xây dựng lại nền dân chủ. Các đảng chính trị, nghiệp đoàn, tổ chức văn hoá và các nhóm có liên quan đều cần giúp đỡ để chống lại đối thủ cộng sản được tổ chức và tài trợ tốt hơn. Họ đã nhận được sự giúp đỡ đó từ CIA. Cùng với sự hỗ trợ kinh tế, ngoại giao của kế hoạch Marshall, hoạt động ngầm đã góp phần quan trọng vào việc tái thiết châu Âu.
Ở Philippines, hoạt động ngầm đóng vai trò thiết yếu trong việc đánh bại hoạt động nổi dậy của cộng sản những năm 1950. Từ giác độ địa chiến lược, việc không để cho cộng sản nắm giữ quyền lực ở quốc gia này là phù hợp với lợi ích của Mỹ. Sự trợ giúp bán quân sự bí mật là một phần của chương trình được vạch ra nhằm khuyến khích cải tổ chính trị và phát triển kinh tế ở Philippines. Điều này đã mang lại kết quả. Với sự giúp đỡ của Edward Lansdale, Ramon Magsaysay đánh bại Huk và sau đó được bầu là tổng thống năm 1953.
Những hoạt động gây nhiều tranh cãi và bàn luận nhất trong giai đoạn này là cuộc đảo chính chống Mahamed Mossadegh ở Iran năm 1953 và chống chính phủ Jacabo Guzman Arbenz ở Guatemala năm 1954. Vào lúc bấy giờ, mỗi hoạt động đều được coi là thành công ngoạn mục trong cuộc chiến chống lại Matxcơva. Iran có vị trí địa chiến lược quan trọng đối với Mỹ và đầu những năm 1950 chính phủ của Mossadegh tỏ ra đang đi theo hướng chỉ đạo của Matxcơva. Còn hoạt động ở Guatemala, nơi yếu tố địa chiến lược và mối liên hệ với Matxcova không rõ ràng, cuộc đảo chính đã đặt ra rất nhiều câu hỏi. Nhiều năm sau, cả hai vụ này đã tạo ra những cuộc tranh luận căng thẳng về việc hoạt động ngầm như vậy có thể được coi là chính đáng không, khi xem xét tác động lâu dài trên thực tế và ảnh hưởng đạo lý đối với những nguyên tắc dân chủ của Mỹ. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, Iran và Guatemala đều được coi là quan trọng và hoạt động bán quân sự, tuyên truyền chính trị ngầm của CIA có vai trò quyết định trong việc hoàn thành các mục tiêu chính sách của Mỹ.
Những "thành tích" này đã đề cao danh tiếng của CIA như là một tổ chức có thể hành động nhanh chóng và có hiệu quả. Theo một chuyên gia tình báo hàng đầu, có nhiều lý do để hoạt động ngầm thành công. Một là, ở Washington, "có sự phối hợp và lãnh đạo chính sách rõ ràng và nhất quán ở cấp cao nhất để chớp lấy thời cơ” sử dụng công cụ hoạt động ngầm một cách hữu hiệu. Thứ hai, "có những người vạch kế hoạch sáng tạo và hiểu biết về địa bàn, xác định được đồng minh - những người cùng chia sẻ những mục đích cụ thể của Mỹ". Cuối cùng, các nhân viên chỉ đạo có năng lực để vạch ra đề án và hiện thực hoá mục đích của đề án đó(1).
Ở các địa bàn bị từ chối, CIA không thu được những thành tích tương tự. Trong những năm cuối 1940 và đầu 1950, CIA đã khởi xướng một số hoạt động bán quân sự bí mật nhằm gây mất ổn định và lật đổ chính quyền ở các chế độ cộng sản thuộc khối Liên Xô, bao gồm các nước vùng Ban tích: Lítva, Látvia, Etônia, Ba Lan, Ucraina và Anbani. Nhiều điệp viên được huấn luyện, cung cấp giấy tờ giả, và cài cắm vào những địa bàn bị từ chối để phát triển mạng lưới chống đối và thực hiện các hoạt động bán quân sự. Nhưng rất ít người có tin phản hồi.
Một sĩ quan lục quân cao cấp được điều về CIA và tham gia vào các điệp vụ trên khi được hỏi về những người đã được mình huấn luyện đã nhớ lại: "Tôi đến sân bay mỗi khi có một điệp viên được tung vào đối phương để kiểm tra lần cuối cùng các trang bị và chúc họ may mắn. Tôi đặc biệt nhớ một loại trang bị mà chúng tôi gọi là thắt lưng tự do. Vật này giống như một thắt lưng đựng tiền dùng để đựng những tài liệu tuyên truyền mà điệp viên sử dụng để thu hút và tuyển mộ người chống đối". Khi được hỏi có bao nhiêu điệp viên tạo được vỏ bọc và tiến hành hoạt động, viên sĩ quan - giờ đã nghỉ hưu - trả lời: "Vào lúc bấy giờ không một ai trong số tôi phụ trách có thông tin phản hồi sau khi được tung đi".
Hai thập kỷ sau, khi là tuỳ viên quân sự ở một nước thuộc khối Liên Xô, cuối cùng thì ông cũng đã gặp một người mà mình từng phụ trách. Trong một buổi tiếp tân tối, một người đàn ông đã tiến lại từ phía đằng sau và nói thầm: "Tôi vẫn còn chiếc thắt lưng tự do". Khi quay lại, ông tuỳ viên quân sự chỉ còn kịp nhìn thấy lưng của người đàn ông đang rời khỏi phòng. Ông ấy đã sống sót, tất cả chỉ có thế"(2).
Câu chuyện này phản ảnh những gì xảy ra đối với các hoạt động ở địa bàn bị từ chối. Ví dụ vào cuối những năm 1940, CIA và cơ quan tình báo Anh cố gây rối tình hình Anbani. Bây giờ thì mọi người đều biết rằng vào thời điểm đó hàng trăm người di tản đã được huấn luyện và đành trở về để thành lập phong trào chống đối và tiến hành chiến tranh du kích. Kết cục thật là thảm hoạ. Nhiều điệp viên bị xét xử công khai và hoạt động này phải chấm dứt vào năm 1953(3).
Những vụ việc tương tự cũng diễn ra ở Ba Lan. Hàng ngàn người Ba Lan đã ở lại phía Tây sau chiến tranh thế giới thứ hai. Khi cộng sản chiếm Ba Lan, các tổ chức của người Ba Lan tị nạn mọc lên như nấm và tuyên bố rằng họ có mạng lưới tổ chức đằng sau "bức màn sắt". Phong trào độc lập và tự do, hay WIN - viết tắt theo tiếng Ba Lan - là một trong những tổ chức ấy. CIA tin rằng tổ chức này là tốt và giúp đỡ tiền, huấn luyện, và thực hiện các chuyến bay thả điệp viên, vũ khí, và các phương tiện khác cho các đơn vị WIN trong lãnh thổ Ba Lan. Trên thực tế, WIN đã bị cơ quan tình báo Ba Lan xâm nhập từ những năm 1940. Trong lãnh thổ Ba Lan, tất cả hoạt động của WIN đã bị vô hiệu hoá và được sử dụng để chống lại CIA. Đây là một thất bại khác và là một phần của thất bại tương tự của CIA tại các nước thuộc khối Liên Xô trong những năm cuối 1940 và 1950.
______________________________________
1. Roy Godson, “Thủ đoạn bẩn thỉu hay con át chủ bài” (Washington DC: Brassey, 1995), tr. 42
2. Theo đề nghị của người được phỏng vấn, tên của người này được giữ kín
3. Godson, "Thủ đoạn bẩn thỉu hay con át chủ bài", tr. 47. Vào lúc bấy giờ Kim Philby được coi là nguyên nhân thất bại ở Anbani. Nhưng Godson cho thấy còn có những yếu tố khác dẫn đến thất bại này như điệp viên của Anbani trong số người lưu vong, việc đánh giá thấp năng lực của cơ quan phản gián đối phương, ít hiểu biết về tình hình Anbani...
Hoạt động ngầm chống lại các địa bàn bị từ chối ngoài khối Liên Xô cũng tỏ ra khó khăn không kém. Trong chiến tranh Triều Tiên, CIA định thực hiện một loạt các hoạt động ngầm tương tự như OSS, cơ quan tiền thân của mình. Dưới vỏ bọc Uỷ ban cố vấn chung ở Triều Tiên - viết tắt là JACK - cơ quan này được giao nhiệm vụ tăng cường sức ép đối với Trung Quốc cộng sản thông qua việc trợ giúp cho phong trào du kích, nhất là dọc theo tuyến đường cung cấp cho lực lượng của Trung Quốc đóng tại Triều Tiên. Một nhân viên của JACK, người một thập kỷ sau trở thành vị lãnh đạo thứ ba của MACVSOG ở Việt Nam, là thiếu tá John K. Singlaub. Ông có kinh nghiệm về hoạt động ngầm khi còn là nhân viên của OSS trong chiến tranh thế giới thứ hai và nửa cuối của thập kỷ 1940 ở Mãn châu lý. Khi đến nhận chức phó trung tâm ở Hàn Quốc, Singlaub hầu như không tìm thấy chứng cứ gì chứng tỏ có sự tồn tại của chiến dịch hoạt động ngầm. JACK đã tung nhiều điệp viên, những người có mối quan hệ gia đình và có thể tồn tại được vào Bắc Triều Tiên. Singlaub ghi lại rằng điệp viên có "cung cấp những nguồn thông tin đáng tin cậy về sự di chuyển quân của kẻ địch". Tuy nhiên, JACK chưa bao giờ tạo nên được bất kỳ điều gì thực sự giống như phong trào kháng chiến kiểu Maquis ở Pháp trong thời kỳ Đại chiến thứ hai(1).
Trong những năm cuối thập kỷ 1950, hoạt động bán quân sự của CIA chống lại địa bàn bị từ chối bao gồm Tây Tạng và Bắc Việt Nam. Trong tất cả các điệp vụ ở giai đoạn này chương trình Tây Tạng là thành công nhất, ít nhất là trong một thời gian ngắn. Phong trào chống đối Tây Tạng khởi nguồn từ sự chiếm đóng và luật lệ hà khắc của Trung Quốc cộng sản. Vào năm 1954, các lực lượng của hai đảng chính trị đang đánh nhau, và vào năm 1955 ba trung đoàn của Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc bị xóa sổ. Khi cuộc nổi dậy kéo dài sang năm 1956, CIA thiết lập mối quan hệ và hợp tác. Quan hệ này bao gồm việc cung cấp rộng rãi thiết bị và huấn luyện. Khi cuộc xung đột lan rộng hơn, người Tây Tạng đã tập hợp được đội quân khoảng 100.000 người. Đội quân này đã có tác động đáng kể đến nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, buộc Trung Quốc phải sử dụng một số lớn nguồn nhân lực và vật lực. Tuy nhiên vào năm 1960, quân đội Trung quốc đã thiết lập xong việc kiểm soát và phong trào chống đối nhanh chóng bị tiêu hao lực lượng, chỉ còn lại một vài nhóm nhỏ. Không còn có bất kỳ cơ hội nào để giải phóng Tây Tạng khỏi Trung Quốc cộng sản. Mọi hành động như vậy của Mỹ sẽ gây ra nguy cơ chiến tranh hạt nhân và ván bài đó không đáng để đặt cửa. Chính sách của Washington là gây rối Trung Hoa cộng sản và việc này chấm dứt vào đầu thập kỷ 60 khi quân đội Trung Quốc chiếm giữ Tây Tạng.
Những hoạt động chống lại miền Bắc đã bắt đầu từ năm 1954 ngay sau Hiệp định Giơnevơ chia Việt Nam thành hai miền dọc theo vĩ tuyến 17: miền Nam (Cộng hoà Việt Nam) và miền Bắc (Việt Nam Dân chủ Cộng hoà). Việc chia cắt này là tạm thời và tổng tuyển cử tự do sẽ được tổ chức vào năm 1956 để thống nhất đất nước. Mặc dù không ký, nhưng Hoa Kỳ công khai đồng ý với những điều khoản của Hiệp định. Tuy nhiên, với việc không ký văn bản này, Washington đã tạo cho mình một lỗ hổng pháp lý để tránh việc tuân theo Hiệp định. Lansdale đã được cử sang Việt Nam để vạch kế hoạch và thực hiện cuộc chiến tranh bí mật chống lại chính quyền cộng sản mới ở Hà Nội. Theo Hiệp định Giơnevơ, việc tập kết được thực hiện trong thời hạn 300 ngày để cho người Việt Nam ở miền Nam cũng như miền Bắc có cơ hội chuyển chỗ ở. Trước khi giai đoạn này kết thúc, Lansdale đã huấn luyện, trang bị và cài cắm một số nhóm bán vũ trang nhỏ ở Bắc Việt Nam. Các đơn vị hải quân bí mật của Mỹ đã bố trí những địa điểm cất giấu vũ khí rải rác dọc theo bờ biển. Tuy nhiên, những nỗ lực này không mang lại mấy kết quả, vì chính quyền mới đã nhanh chóng bóc gỡ các toán cài cắm của Lansdale. Mặt khác, Hồ Chí Minh đã ra lệnh cho khoảng 10.000 nhân viên Việt Minh ở lại miền Nam, hình thành mạng lưới ngầm với mục đích "gây mất ổn định chính quyền mới ở miền Nam thông qua các hoạt động tuyền truyền và kích động chính trị, đồng thời tạo ra những "hạt giống" nổi dậy khi Hồ Chí Minh ra lệnh"(2).
Năm 1953, CIA giúp thành lập " Nhóm quan sát số một", một tổ chức bán vũ trang hoạt động bên ngoài sự chỉ đạo của quân đội miền Nam. Lực lượng này do Ngô Đình Diệm trực tiếp chỉ huy và có nhiệm vụ tổ chức các lực lượng du kích nằm vùng ở khu vực dưới vĩ tuyến 17 trong trường hợp miền Bắc tấn công. CIA nhận thấy "Nhóm quan sát số một" có tiềm năng tiến hành chiến tranh không quy ước ở bên kia vĩ tuyến để cắt đứt đường liên lạc của Bắc Việt Nam và thu thập tin tức tình báo. Năm 1958, Diệm và CIA đã ký một bản thoả thuận chung để tiến hành những điệp vụ chống lại Hà Nội. Nhưng như Giám đốc CIA Dulles chỉ ra khi trả lời câu hỏi của Tổng thống Kennedy tại cuộc họp của Hội đồng an ninh quốc gia ngày 28-1-1961, những nội dung thoả thuận này hầu như không được thực hiện. Không có một nhóm chống đối nào do Mỹ chỉ đạo hoạt động lâu dài ở trong lòng Bắc Việt Nam.
Nhưng những nỗ lực của Hà Nội ở miền Nam thì khác hẳn. Năm 1957, những cán bộ nằm vùng của Hồ Chí Minh bắt đầu tiến hành tuyên truyền, tấn công vũ trang và tuyển người để hình thành tổ chức bí mật. Các cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 được đưa về miền Nam dọc theo tuyến đường mà về sau này được biết đến dưới tên "đường mòn Hồ Chí Minh". Năm 1959, theo chỉ thị của Hà Nội, mạng lưới này đã phát động chiến dịch ám sát và chống trả lại quan chức Nam Việt Nam và trưởng ấp. Theo số liệu của Mỹ, có "2.500 vụ ám sát xảy ra trong năm 1959, tăng gấp đôi so với năm trước", và "hoạt động phá hoại trước đây mang tính đơn lẻ nay đã trở nên phổ biến"(3). Hà Nội đã chấp nhận cuộc đấu tranh vũ trang ở miền Nam và, như Lansdale nói với Tổng thống Kenedy và các thành viên của Hội đồng an ninh quốc gia tại cuộc họp ngày 28-1-1961, cuộc đấu tranh này đã đặt chính phủ Ngô Đình Diệm trước nguy cơ sụp đổ. Lansdale khẩn thiết đề nghị chính quyền mới "xác nhận Việt Nam đang ở trong tình thế nghiêm trọng và cần phải coi đây là chiến trường của chiến tranh lạnh đang đòi hỏi những giải pháp cấp bách"(4).
_____________________________________
1. John Singlaub, "Nhiệm vụ nguy hiểm", (New York: Summit Books, 1991) tr.182.
2. John S. Bowman biên tập, “Almanac của chiến tranh Việt Nam” (New York: Pharos Books 1985) tr.449.
3. John S. Bowman, Sđd, tr. 451.
4. FRUS, 1961-1963:Việt Nam, tập 1, tr. 12
Hơn nữa, theo quan sát của một nhân viên CIA được cử sang Sài Gòn để tiến hành các điệp vụ, Bắc Việt Nam là địa bàn bị từ chối khó khăn nhất. Trước khi nhận nhiệm vụ ở Nam Việt Nam năm 1963, Herbert Weisshart đã có 10 năm kinh nghiệm chỉ đạo các điệp vụ ở địa bàn bị từ chối chống lại Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, và Việt Nam từ các căn cứ khác nhau. Herbert biết rất rõ châu Á. Herbert Weisshart học tiếng Trung và tiếng Nhật, nghiên cứu về các vấn đề Đông Á tại trường Đại học Harvard vào cuối những năm 1940. Ông là học trò của giáo sư John Fairbanks và Edwin Reischauer, hai chuyên gia hàng đầu của Mỹ về Trung Quốc và Nhật Bản. Theo Weisshart, những gì mà tổng thống muốn chúng ta thực hiện là rất khó. "Trong tất cả các mục tiêu thuộc địa bàn bị từ chối vào lúc bấy giờ: Liên Xô, Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, Cộng hoà Dân chủ Đức, Bắc Triều Tiên... tôi cho rằng Bắc Việt Nam là 1 mục tiêu khó khăn nhất để tiến hành chiến tranh tâm lý và.hoạt động ngầm"(1).
Weisshart đã nêu ra sáu lý do. Trước hết, "khác với nước Pháp bị chiếm đóng... nơi phong trào kháng chiến Maquis đã hình thành và nhận được sự trợ giúp tích cực từ bên ngoài, không có một tổ chức tương tự tồn tại ở Bắc Việt Nam”. Do đó Hoa Kỳ phải tạo ra một tổ chức như vậy. Thứ hai, "những nhà lãnh đạo và nhân dân Bắc Việt Nam vẫn còn đang sống trong tâm trạng của người mới giành được độc lập từ sự áp bức thuộc địa bằng việc đánh bại người Pháp năm 1954". Vì vậy nhân dân ủng hộ mạnh mẽ chính phủ Hà Nội "để xây dựng một đất nước mạnh về kinh tế, tiến bộ về xã hội". Theo Weisshart, điều này là sự thật mặc dù Hà Nội tiến hành chương trình cải cách ruộng đất rất khắc nghiệt vào cuối những năm 1950. Thứ ba, "việc kiểm soát hoạt động của dân ở các vùng biên giới, ven biển, nông thôn, thành thị là rất chặt chẽ". Thứ tư, "một khi biên giới bị đóng lại, không có dòng di tản của những người theo đạo Thiên chúa, dân tộc ít người hoặc những kẻ bất mãn - những người có thể tuyển dụng vào hoạt động ngầm". Thứ năm, "hầu như không có dòng di chuyển của người và hàng hoá từ các nước không cộng sản đến các cảng, thành phố ở Bắc Việt Nam. Do vậy, không có cơ hội để đánh các điệp viên hoặc nhằm thu thập được tin tức tình báo ở Bắc Việt Nam". Sáu, "tình hình kinh tế chính trị ở Nam Việt Nam trong những năm đầu 1960 không tạo ra một sự so sánh hấp dẫn cho khán giả Bắc Việt Nam”(2).
Không biết tổng thống Kenedy, Mac Bundy, Walt Rostow, Bob McNamara, Max Taylor, Bobby Kenedy, Bill Bundy và những người nhiệt tình ủng hộ hoạt động ngầm và chiến tranh đặc biệt có hiểu biết như thế nào về lịch sử hoạt động của CIA tại địa bàn bị từ chối. Họ có hiểu những khó khăn khi khơi mào cuộc chiến tranh không quy ước trong lòng Bắc Việt Nam không? Họ có ý thức được những tiền đề để thực hiện thành công cuộc chiến tranh đó không? Như diễn biến của sự việc cho thấy, họ đã không đánh giá hết tính chất phức tạp của việc tiến hành các hoạt động ngầm ở Bắc Việt Nam.
________________________________________
1, 2. Phỏng vấn lịch sử với Herbert Weisshart, trong "MACVSOG: Phỏng vấn lịch sử với những nhân viên từng phục vụ trong OP39 của MACVSOG", tr. 1, 5.
KENEDY VÀ VIỆT NAM:
NHỮNG BUỚC ĐI CHÍNH SÁCH BAN ĐẦU
Mối quan tâm của Kenedy đối với Việt Nam được hình thành rất sớm, trước khi ông bước vào Nhà Trắng. Năm 1953, ông bày tỏ sự phản đối chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam và tuyên bố điều kiện tiên quyết cho sự can thiệp của Mỹ là "độc lập cho Đông Dương"(1). Ông chỉ trích Eisenhower đã quá thân thiện với người Pháp. Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, John F. Kenedy tham gia sinh hoạt với Hội những người Mỹ là bạn Việt Nam, một tổ chức chiết trung bao gồm các nhà học giả theo trường phái tả, các vị tướng bảo thủ, và quan chức nhà nước thuộc đủ các quan điểm chính trị. Họ hy vọng tìm ra "một con đường thứ ba hoặc giải pháp độc lập" cho Nam Việt Nam. Các hội viên bao gồm các học giả theo trường phái tự do như Max Lerner và Arther Schesinger, Jr., lãnh đạo phe xã hội Norman Thomas, Leo Cherne thuộc Uỷ ban cứu trợ quốc tế, hồng y giáo chủ John Spellman, tướng William Donovan và Micheal O' Daniel, thẩm phán toà án tối cao William O. Douglas, viên thống đốc bảo thủ J. Bracken Lee, thượng nghị sĩ tự do Mike Mansfields và Joseph P. Kenedy, người thân sinh ra Kenedy - lúc bấy giờ đang là thượng nghị sĩ. Tham gia sinh hoạt còn có đại tá Lansdale.
Hội những người bạn Việt Nam tin rằng Ngô Đình Diệm là "người theo chủ nghĩa dân tộc độc lập" và là sự lựa chọn cần thiết để chiến đấu chống cộng sản. Họ đã tạo ra sự hỗ trợ cho Diệm ở Hoa Kỳ trong những năm cuối của chính quyền Eisenhower. Sự hỗ trợ này được thể hiện bằng việc tăng cường viện trợ nước ngoài. Nhưng thật không may, ở miền Nam, Diệm đã không chứng tỏ được mình là sự lựa chọn tốt hơn so với Việt Cộng. Trên thực tế, khi Kenedy chuyển vào Nhà Trắng, hiệu quả hoạt động của chính quyền Diệm đang xấu đi rất nhanh trong khi hoạt động và sức mạnh của Việt Cộng đang tăng lên. Báo cáo của CIA trong năm 1960 (bắt đầu phản ánh kết luận là cơ sở chính trị của Diệm đã bị xói mòn nghiêm trọng và Việt Cộng do Việt Nam Dân chủ Cộng hoà hậu thuẫn đang là mối de doạ sống còn" đối với sự tồn tại của Nam Việt Nam(2).
Trên cơ sở những báo cáo này, bản Báo cáo tình báo quốc gia về Việt Nam tỏ ra rất bi quan. Cáo báo cáo tình báo quốc gia được coi là sản phẩm chủ yếu của cộng đồng tình báo Mỹ và báo cáo về Việt Nam là tài liệu rất quan trọng. Những tin tức xấu nêu trong báo cáo ngay sau đó được khẳng định bởi báo cáo chuyến công tác của Lansdale và Kế hoạch chống nổi loạn ở Việt Nam do nhóm cố vấn quân sự Mỹ ở Sài Gòn soạn thảo. Trong những ngày đầu tiên giữ cương vị tổng thống, Kenedy đối mặt với tình hình ảm đạm và ngày một xấu đi ở Việt Nam. Kenedy muốn có những hành động ngay lập tức, nhưng sau đó ông hiểu rằng bộ máy hành chính rất ít khi chạy hết tốc lực.
Vào đầu tháng 3, John F. Kenedy yêu cầu có báo cáo về chỉ thị của ông giao cho CIA tiến hành các hoạt động ngầm ở Bắc Việt Nam hồi cuối tháng 1. Công việc đang tiến triển ra sao? Chúng ta có đang cho Hà Nội nếm thử những gì họ đang làm ở miền Nam không? Ông phát hiện ra rằng trong vòng một tháng rưỡi hầu như không có gì được thực hiện. Để chấn chỉnh sự trì trệ này, Kenedy nhanh chóng ra chỉ thị số 28 của Hội đồng an ninh quốc gia. Thay vì yêu cầu có hành động, ông ra lệnh cho CIA phải tuân thủ theo “chỉ thị của tổng thống về việc chúng ta phải nỗ lực tiến hành hoạt động du kích ở lãnh thổ Bắc Việt Nam"(3).
__________________________________________
1. Kenedy, Tuyển tập diễn văn, tr. 295.
2. Quan hệ Hoa Kỳ và Việt Nam, 1945-1967, Quốc hội 92 (Washington DC; Nhà in chính phủ, 1972) quyển 4, tr. 24.
3. Quan hệ Hoa Kỳ và Việt Nam, Sđd, quyển 2, tr. 18.
Tháng 4, Kenedy chỉ thị cho thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Roswell Gilpatric chỉ đạo lực lượng đặc nhiệm liên ngành thảo ra "Chương trình hành động cho Việt Nam". Lansdale được cử làm sĩ quan điều hành, và các thành viên khác bao gồm Rostow, U. Alexis Johnson, thứ trưởng Bộ Ngoại giao, và Desmon Fitzgerald, Trưởng phòng Viễn đông của Cục kế hoạch thuộc CIA. Mục tiêu là "đối phó với ảnh hưởng và áp lực của cộng sản đối với sự phát triển và duy trì một Nam Việt Nam tự do và vững mạnh"(1).
Báo cáo của lực lượng đặc nhiệm được chuẩn bị xong vào đầu tháng 5. Bản báo cáo bắt đầu bằng những tin tức tồi tệ hơn. Tình hình được đánh giá là khắc nghiệt. "Bất chấp các nỗ lực của các lực lượng Nam Việt Nam, 58% lãnh thổ nằm dưới sự kiểm soát ở mức độ khác nhau của cộng sản, từ việc quấy rối, tập kích ban đêm đến kiểm soát hành chính hoàn toàn."(2). Trong khi tập trung chủ yếu vào vấn đề phát triển và an ninh nội địa ở Nam Việt Nam, các khuyến nghị của lực lượng đặc nhiệm cũng đề cập đến các hoạt động bí mật chống lại Bắc Việt Nam.
Ngày 11-5, tổng thống xem xét bản báo cáo và phê chuẩn những khuyến nghị. Khái niệm hoạt động nêu trong đó rất rộng "Mục tiêu của Hoa Kỳ là... ngăn cản sự thống trị của cộng sản ở Nam Việt Nam; tạo ra ở đó một nền dân chủ vững chắc; và nhanh chóng đề xướng các hoạt động hỗ trợ lẫn nhau có tính chất bí mật về quân sự, chính trị, kinh tế, tâm lý nhằm đạt được mục tiêu trên"(3). Với khái niệm này và chỉ thị của Hội đồng an ninh quốc gia 52, tổng thống đã ra lệnh bộ máy hành chính phải hành động.
Vào thời điểm này, CIA còn đang vạch kế hoạch hoạt động ngầm chống lại Bắc Việt Nam. Bản kế hoạch bao gồm việc xâm nhập các toán điệp viên và điệp viên đơn tuyến để thu thập tình báo, chiến tranh tâm lý (đài phát thanh, truyền đơn, hàng tâm lý chiến), hoạt động biệt kích ven bờ biển Bắc Việt Nam (thu thập tình báo, chiến tranh tâm lý, phá hoại), và tạo ra một phong trào chống đối tưởng tượng.
Herb Weisshart, phó chỉ huy Phòng nghiên cứu hỗn hợp của Trung tâm CIA tại Sài Gòn trong những năm đầu 1960, đã khái quát: "những hoạt động này là rất khiêm tốn. Đây là một chương trình nhỏ. Tôi có thể nói rằng 90% cố gắng của CIA là ở Nam Việt Nam"(4). Tại sao chỉ là một chương trình nhỏ trong khi tổng thống yêu cầu lớn hơn? Weisshart cho biết William Colby, Trưởng trung tâm CIA Sài Gòn lúc bấy giừ chính là người hạn chế các hoạt động ngầm chống lại Bắc Việt Nam vì cho rằng những hoạt động với quy mô lớn sẽ tiêu tốn nguồn lực của CIA vốn đang cần tập trung cho Nam Việt Nam. Việc hạn chế các hoạt động ở Bắc Việt Nam không phải là "một ý tưởng tồi vì Colby nhìn thấy tương lai ra sao và Nam Việt Nam sẽ trở thành thách thức lớn hơn đối với sự cam kết của Mỹ"(5).
_____________________________________________
1. FRUS, 1961-1963: Việt Nam, tập 1, tr. 74.
2. FRUS, 1961-1963: Việt Nam, tập 1, tr. 93-94.
3. Các chỉ thị của Tổng thống về An ninh quốc gia từ Truman đến Clinton. (Bethesda, Md. University Publications of America, 1995), tài liệu số 180.
4, 5. Phỏng vấn lịch sử với Herbert Weisshart, trong "MACVSOG: Phỏng vấn lịch sử với những nhân viên từng phục vụ trong OP39 của MACVSOG", tr. 3,5, 4.
Sự kiện Vịnh Con lợn xảy ra đúng vào lúc việc thực hiện các chỉ thị của Kenedy đang diễn ra một cách ỳ ạch. Đây là một cố gắng nữa của CIA chống lại địa bàn bị từ chối và tạo ra sự ngượng ngập chính trị lớn cho tổng thống. Trong cuộc vận động tranh cử năm 1960, Kenedy đã mô tả Cu Ba là "một trong những thất bại hiển nhiên của chính sách ngoại giao Hoa Kỳ... một mối đe doạ cộng sản lại được phép tồn tại ngay trước mũi của chúng ta"(1). Tất nhiên, những gì mà ông muốn nói là cộng sản Cu Ba đã được phép tồn tại ngay dưới mũi của chính quyền Eisenhower. Chính quyền Castro là "một nhà kho cung cấp vũ khí và hoạt động của cộng sản ở toàn khu vực Nam Mỹ - tuyển mộ những nhóm nhỏ các nhà cách mạng do cộng sản làm hạt nhân cho cách mạng ở châu Mỹ La tinh". Cu Ba còn là "vệ tinh cộng sản thù địch" nhận sự "hướng dẫn, giúp đỡ và vũ khí của Matxcơva và Bắc Kinh"(2). Kenedy tuyên bố mọi chuyện sẽ khác đi khi ông là tổng thống. ông đưa ra những khẩu hiệu mạnh mẽ. Tuy nhiên vào tháng 4 năm 1961, Kenedy đã không thể hậu thuẫn những khẩu hiệu dũng cảm đó bằng hành động cụ thể. Kết quả là vụ thảm bại ở Vịnh Con lợn.
Nhiều nhân vật lãnh đạo bị thay thế. Trước hết, Giám đốc CIA Alen Dulles và Phó Giám đốc phụ trách kế hoạch, Rechard Bissell - kiến trúc sư của vụ xâm lược - bị thải hồi. Nhưng Kenedy cho rằng vấn đề không dừng lại ở Dulles và Bissell mà là ở cả thể chế. Sự kiện Vịnh Con lợn đã làm tổng thống thay đổi đánh giá về khả năng vạch kế hoạch và thực hiện hoạt động bán vũ trang bí mật của CIA. Hai tháng sau vụ thất bại, ngày 28-6-1961 Kenedy phê duyệt ba chỉ thị số 55, 56, 57 của Hội đồng an ninh quốc gia nhằm xác định lại và chuyển giao trách nhiệm thực hiện các hoạt động chiến tranh không quy ước từ CIA Sang Lầu Năm Góc.
Chỉ thị số 55 - về quan hệ giữa Hội đồng tham mưu liên quân với tổng thống trong các hoạt động chiến tranh lạnh đã tước đi đặc quyền của CIA trong việc vạch kế hoạch và thực hiện các hoạt động bán quân sự bí mật. Phát biểu trước Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, Kenedy tuyên bố: "Tôi trông chở Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân có vai trò lãnh đạo sáng tạo và năng động góp phần vào thành công của các khía cạnh quân sự và bán quân sự trong các chương trình chiến tranh lạnh"(3). Đây là bước đầu tiên của tổng thống để giảm quyền hạn của CIA đối với các hoạt động bán quân sự bí mật.
Bước tiếp theo là Chỉ thị 56 - Đánh giá các yêu cầu bán quân sự. Chỉ thị này yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng "kiểm kê những lực lượng bán quân sự hiện có và xem xét các khu vực trên thế giới, nơi mà việc thực hiện chính sách ngoại giao đòi hỏi phải có lực lượng bán quân sự tại chỗ, để đề ra mục tiêu của chúng ta tại những khu vực đó". Sau khi đã xác định yêu cầu về nguồn lực để đáp ứng yêu cầu của chính sách, thì "vấn đề tiếp theo là phát triển một kế hoạch để bù vào sự hẫng hụt"(4). Tướng Lansdale được giao nhiệm vụ kiểm kê, xác định sự thiếu hụt và đề xuất những nguồn lực cần được bổ sung để Lầu Năm Góc có thể thực hiện được các hoạt động bán quân sự bí mật.
Lansdale viết rất nhiều tờ trình cho Thứ trưởng Quốc phòng Gilpatric. Một trong số đó đề cập đến thách thức về biện pháp thực hiện chiến tranh không quy ước đối với đối phương. Lansdale nhận thấy rằng "các kế hoạch chống lại Bắc Việt Nam hiện tại tỏ ra đã đạt đến mức độ cao nhất mà chính sách của Hoa Kỳ cho phép". Những gì ông muốn là phải thay đổi chính sách đó và mở rộng nguồn lực của Bộ Quốc phòng. "Cần tính đến chính sách dài hạn đối với Bắc Việt Nam. Nếu cộng sản có thể thực hiện cuộc chiến tranh lật đổ để nắm giữ một đất nước thì đã đến lúc chúng ta cho họ nhận điều tương tự".
Lansdale đề nghị thành lập một phong trào chống đối cộng sản trong lòng Bắc Việt Nam. Dĩ nhiên điều này không dễ dàng gì. Đó là công việc "lâu dài và gian khổ". Tuy nhiên, "nếu mục tiêu của chúng ta là tạo ra một tình hình tương tự như Hungary, thì phải sẵn sàng giúp đỡ với mục tiêu là thống nhất Việt Nam", và điều cần thiết là "phải vạch ra một chương trình hoạt động ngầm lớn hơn chống lại Bắc Việt Nam"(5).
Đề nghị của Lansdale đã gây ra tranh cãi, đấy là nói một cách nhẹ nhàng nhất. "Tạo ra một tình hình tương tự như Hungary" là điều khá nhạy cảm trong chính phủ Mỹ. Ví dụ, ở CIA những ý tưởng tương tự sẽ không được chào đón kể từ sau năm 1956. Một trong những đề nghị phiền toái nhất là việc thành lập một mạng lưới điệp viên trong lãnh thổ Bắc Việt Nam với mục tiêu gây dựng một phong trào chống đối. Bộ máy hành chính của Washington, nhất là Bộ Ngoại giao và CIA phản đối đề nghị này. Đối với họ Hungary mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. Họ đã rút ra bài học kinh nghiệm từ cuộc nổi loạn ở Hungary năm 1956 rằng Washington sẽ không ủng hộ những cuộc nổi loạn như vậy vì có thể dẫn đến chiến tranh thế giới. Vì vậy, thay vì khuyến khích, nên tránh xa các cuộc bạo loạn ở các quốc gia cộng sản.
Điều cuối cùng và quan trọng nhất là Chỉ thị 57 đã đề ra các quy định về hành chính trong việc vạch kế hoạch và tiến hành các hoạt động bán quân sự của CIA và Bộ Quốc phòng. Theo đó CIA được giao thực hiện hoạt động bán quân sự "hoàn toàn bí mật hoặc có thể chối bỏ được với điều kiện hoạt động đó nằm trong phạm vi khả năng bình thường của CIA". Ở đây cụm từ chủ chốt là "khả năng bình thường". Chỉ thị 57 nói rằng "các hoạt động bán quân sự lớn mang tính bí mật hoàn toàn hoặc một phần mà đòi hỏi một số lượng đáng kể nhân viên được huấn luyện về quân sự và thiết bị quân sự" sẽ được coi là "vượt quá nguồn lực và kinh nghiệm quân sự của CIA" và trong trường hợp đó những chương trình lớn này sẽ" do Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm chính với sự giúp đỡ của CIA"(6).
Chỉ thị của Hội đồng an ninh quốc gia số 55, 56, 57 cho thấy sự không hài lòng của Kenedy đối với CIA và quyết tâm phát triển các công cụ hoạt động để tiến hành cuộc chiến tranh đặc biệt chống Bắc Việt Nam và các địa bàn bị từ chối khác. ông sẽ không nhường trận địa mới cho bất kỳ ai. Bên cạnh tầm hoạt động, tư tưởng của Kenedy còn thể hiện rõ trong các sáng kiến chính sách. Tháng 2-1962 theo chỉ thị số 124, Nhóm Đặc biệt về chống nổi loạn được thành lập. Mục đích của nhóm này là thành lập việc giám sát ở tầm chính sách để đảm bảo "sự phát triển các chương trình liên bộ đầy đủ nhằm ngăn chặn hoặc đánh bại bạo loạn lật đổ và xâm lược gián tiếp ở các nước và khu vực được giao cho nhóm đặc biệt"(7).
_____________________________________
1. John F. Kenedy, "Diễn văn, Phát biểu, Họp báo chí, và Tuyên bố từ 1-8 đến 7-11 năm 1960” trong Tự do về thông tin, Báo cáo cuối cùng của Uỷ ban Thương mại , Thượng viện Hoa Kỳ, nhiệm kỳ 87, kỳ họp thứ nhất, báo cáo số 994, phần một, trang 510-511.
2. John F. Kenedy, Sđd, trang 511.
3. Chỉ thị số 55 được Kenedy ký ngày 28-6-1961 cùng với chỉ thị số 56, 57. Được gửi cho chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, ngay trang đầu tiên Kenedy chỉ thị "Tôi thông báo cho Hội đồng tham mưu trưởng liên quân quan điểm của tôi về mối quan hệ giữa hội đồng và tôi trong các hoạt động chiến tranh lạnh như sau”. Xem toàn văn trong "Các chỉ thị của Tổng thống về An ninh quốc gia từ Truman đến Clinton” số hồ sơ 183 NSDDINDEX, trang 1.
4. Sđd, NSDDINDEX, tr. 184.
5. Xem báo cáo của Lansdale ngày 23-10-1961 gửi Maxwell Taylor, cố vấn quân sự của tổng thống Kenedy. Tiêu đề của bản báo cáo này là " Chiến tranh không quy ước”. FRUS, 1961- 1963: Việt Nam, Tập 1 , trang 421-422.
6. Chỉ thị 57 Có tên chính thức là " Trách nhiệm trong các hoạt động bán quân sự” được Kenedy gửi cho Bộ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng và Giám đốc CIA". In trong "Các chỉ thị của Tổng thống về An ninh quốc gia từ Kenedy đến Clinton" NSDDINDEX, hồ sơ số 185.
7. FRUS, 1961-1963: Việt Nam, tập 2, trang 49.
Một nhóm cấp cao - Uỷ ban 303 - được giao nhiệm vụ kiểm soát các hoạt động ngầm, kể cả hoạt động bán quân sự(1). Thẩm quyền của Uỷ ban bao gồm tất cả các hoạt động ngầm quan trọng trên thế giới. Uỷ ban 303 chịu trách nhiệm về các hoạt động ngầm chống lại Bắc Việt Nam của CIA trong những năm 1961-1963. Năm 1964, các hoạt động ngầm do quân đội chỉ đạo chống Việt Nam trở thành công việc chính của Uỷ ban. Các thành viên của Uỷ ban bao gồm Mc George Bundy, cố vấn an ninh quốc gia, Roswell Gilpatric, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, U. Alexis Johnson, Trợ lý Thứ trưởng về vấn đề chính trị, và Rechard Helm, Phó Giám đốc Cục tình báo Trung ương. Bundy là chủ tịch Uỷ ban. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân cũng có đại diện cao cấp. Theo Gilpatric, đó là tướng Maxwell.Taylor, Chủ tịch hội đồng. Ông cũng cho biết thêm đôi khi "McNamara cũng đến dự các cuộc họp. Mỗi khi có chương trình lớn đang được cân nhắc, tôi sẽ báo và ông ấy sẽ đến dự"(2).
Với vai trò ngày càng tăng của Lầu Năm Góc trong chống nổi loạn và chiến tranh bí mật, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân thành lập Văn phòng trợ lý đặc biệt về hoạt động đặc biệt và nổi loạn (SACSA) đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch hội đồng. Văn phòng này hỗ trợ Bộ trưởng và Chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân thực hiện các yêu cầu của Nhóm đặc biệt và Uỷ ban 303. Ở Washington, Văn phòng này giúp vạch kế hoạch và chỉ đạo những hoạt động chiến tranh đặc biệt có sự tham gia của Bộ Quốc phòng. Tất cả mọi thành phần quốc phòng tham gia vào các hoạt động này phải hỗ trợ Văn phòng trợ lý đặc biệt khi được yêu cầu. Được thành lập tháng 2-1962, vị trợ lý đặc biệt đầu tiên là thiếu tướng thuỷ quân lục chiến Victor H. Krulak.
Krulak là một người có đầu óc sáng tạo. Khi còn là một sĩ quan trẻ và chứng kiến hoạt động của người Nhật chống Trung Quốc vào cuối những năm 1930, ông đã thiết kế phần thân cho tàu đổ bộ, giải quyết vấn đề đổ bộ nhanh chóng các lực lượng tấn công từ biển vào đất liền. Kết quả là đã ra đời các tàu đổ bộ tiêu chuẩn được thủy quân lục chiến sử dụng ở Thái Bình Dương trong chiến tranh thế giới thứ hai. Krulak khẳng định vị trí của mình trong các trận đánh trong chiến tranh bằng việc chỉ huy các vụ tập kích lên bộ vào ban đêm đầy nguy hiểm. Trong một phi vụ, một chiếc tàu đổ bộ chở 30 lính thuỷ đánh bộ dưới quyền Krulak đâm vào đá ngầm và bị chìm. Một chiếc tàu phóng lôi do viên trung uý trẻ tên là John Kenedy chỉ huy đã cứu thoát họ. Trung tá Krulak bày tỏ lòng biết ơn với viên trung uý. Năm 1961, Krulak, giờ đã là thiếu tướng, và tổng thống Kenedy gặp lại nhau khi Krulak đến thăm vị tân tổng thống tại Nhà Trắng. Họ ngồi cùng nhau và nhắc lại những cuộc phiêu lưu thời thế chiến thứ hai. Mối quan hệ cũ được nối lại. Và Krulak nhanh chóng trở thành một trong những viền tướng được Kenedy yêu thích. Vì vậy, khi Kenedy cần một viên sĩ quan cao cấp để phụ trách SACSA, ông đã chọn Krulak(3). Đây là một bằng chứng nữa cho thấy Kenedy đã giám sát chính sách chiến tranh đặc biệt chặt chẽ như thế nào.
Như vậy, khi năm 1961 kết thúc và năm 1962 bắt đầu, tổng thống Kenedy đã tiến hành nhiều bước đi hành chính và chính sách để có thể "làm tất cả để tiến hành hoạt động du kích ở lãnh thổ Bắc Việt Nam". Thật không may cho tổng thống, không có gì ngoài sự thất vọng đang đón đợi ở phía trước.
_____________________________________
1. Một tổ chức tương tự, Uỷ ban 5412 tồn tại trong chính quyền Eisenhower. Uỷ ban này ra đời trên cơ sở "Chỉ thị của Hội đồng an ninh quốc gia về hoạt động ngầm” hay NSC5412. Xem "Các chỉ thị về an ninh quốc gia từ Kenedy đến Clinton” NSDDINDEX, hồ sơ 1964. Uỷ ban 303 thay thế Uỷ ban 5412 và mang tên theo số phòng mà Uỷ ban tổ chức các buổi làm việc trong toà nhà văn phòng hành pháp.
2. Phỏng vấn trực tiếp Roswell Gilpatric, Thư viện Kenedy (tháng 5 - 1970), trang 38-39.
3. Phỏng vấn tướng Victor Krulak ở San Diego, 5-1-1998, trang 7.
HOẠT ĐỘNG CỦA CIA CHỐNG LẠI BẮC VIỆT NAM: QUÁ ÍT VÀ QUÁ CHẬM CHẠP
Đánh giá của chính quyền về Việt Nam trong năm 1962 thật là mâu thuẫn và bắt đầu bằng những nhận định bi quan về tình hình. Ngày 15-1-1962, Bộ trưởng Quốc phòng McNamara khai mạc cuộc họp để đánh giá tình hình đang xấu đi và đề ra giải pháp. Bộ trưởng muốn có bước đi nhanh chóng để tăng cường nỗ lực của Mỹ ở Việt Nam. McNamara kết luận rằng cần có một bộ chỉ huy mới ở tầm hoạt động nhằm tạo ra sự thống nhất các nỗ lực và đưa mọi việc đi đúng hướng. Ngày 8-2, chính quyền thành lập Bộ chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ ở Việt Nam (MACV), là một bộ phận trực thuộc Tổng Tư lệnh Thái Bình Dương và được giao trách nhiệm về mọi hoạt động quân sự ở Việt Nam. Cố vấn Mỹ bắt đầu có mặt tại Việt Nam để thực hiện những giải pháp mới của McNamara nhằm đẩy lùi cơn thuỷ triều Việt Cộng.
Vị tư lệnh MACV, tướng Paul Harkin, tin tưởng rằng sẽ đạt được điều đó trong năm 1962. Harkin chính là sự lựa chọn của Maxwell Taylor cho vị trí này. Họ là hai người bạn thân, có quan hệ từ những năm 1940 tại Westpoint khi cả hai cùng làm việc tại học viện. Khi Taylor là tư lệnh Tập đoàn quân số 8 ở Triều Tiên, Harkin là tham mưu trưởng của ông. Nhưng Harkin là sự lựa chọn không phù hợp với loại xung đột đang diễn ra ở Việt Nam. Ông không hề có kinh nghiệm về bạo loạn và nhân viên được ông chọn ở MACV cũng chẳng hơn gì(1). Tuy nhiên, Kenedy và McNamara chấp nhận sự lựa chọn của Taylor.
Đối với chính quyền Kenedy, năm 1962 nhanh chóng bị hai sự kiện lấn át: cuộc khủng khoảng tên lửa Cu Ba và Lào. Việt Nam tạm bị gác sang một bên, cho dù cuối cùng thì giải pháp Giơnevơ về Lào có tác động sâu sắc ngoài dự kiến đối với cuộc xung đột ở Nam Việt Nam. Đối với Hà Nội, đường Hồ Chí Minh ở Lào mang ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với cuộc chiến ở miền Nam.
Đối với Bắc Việt Nam, con đường mòn chính là cái mà nhà lý luận quân sự Carlvon Clausewitz gọi là "trọng tâm trọng lực". Khái niệm này chỉ "trung tâm của tất cả sức mạnh và chuyển động mà mọi thứ đều phụ thuộc vào đó" của đối phương. Clausewitz cho rằng nếu một viên tư lệnh có thể xác định và phá rối "trung tâm trọng lực" thì sẽ làm giảm sút cơ bản khả năng duy trì chiến tranh của kẻ địch"(2).
Đường mòn Hồ Chí Minh là hệ thống thông tin và vận tải bao gồm mạng lưới cung cấp hậu cần, cấu trúc chỉ huy kiểm soát và các vị trí đóng quân của quân đội Bắc Việt Nam. Về mặt địa lý, con đường này nằm dọc theo một mạng lưới dầy đặc các tuyến đường lớn nhỏ chạy từ miền Bắc sang Lào sau đó đến miền Nam. Ngoài ra, con đường còn mở sang Campuchia. Con đường mòn này là một trong những nhân tố chiến lược chủ yếu cho phép Hà Nội tiến hành cuộc chiến tranh. Đường mòn tạo ra lợi thế hậu cần có tính chất quyết định đồng thời giúp nhanh chóng chuyển quân từ những căn cứ tập kết ở Lào và Campuchia sang các chiến trường ở Nam Việt Nam. Một trong những nhà địa lý quân sự hàng đầu, John Collins đã nhận xét “Khi mới được mở vào cuối những năm 1959, đường mòn Hồ Chí Minh không là cái gì khác ngoài mạng lưới nhằng nhịt các con đường nhỏ dưới tán rừng rậm rạp. Nam nữ thanh niên xung phong đã cõng những gùi hàng nặng trĩu dọc theo những con đường mòn này nhưng giới chức cao cấp của Mỹ và của Nam Việt Nam ở Sài Gòn đã coi thường hoạt động đó vì số lượng hàng không đáng kể: một chút gạo, một vài khẩu súng ngắn lấy được từ người Pháp, và vũ khí tự tạo trông như đồ chơi "(3). Bức tranh này thay đổi nhanh chóng trong những năm 1960.
Năm 1962 là năm thứ 3 mà Võ Bẩm, một vị tướng Bắc Việt Nam và đơn vị vận tải 559 tiến hành mở các tuyến đường xâm nhập vào miền Nam. Họ bắt đầu công việc sau khi Trung ương Đảng có quyết định tháng 5-1959 tăng cường hoạt động vũ trang ở miền Nam. Đối với tướng Bẩm, đó là niềm vinh dự lớn khi được giao nhiệm vụ "tổ chức một tuyến đường quân sự đặc biệt để vận chuyển hàng cho cách mạng miền Nam". 25 năm sau, ông hồi tưởng lại "chưa bao giờ trong cuộc đời binh nghiệp vốn có rất nhiều các nhiệm vụ đặc biệt của mình, tôi lại cảm thấy xúc động như lúc ấy. Tôi biết rằng một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng đang chờ đón tôi"(4).
Cho đến năm 1962, mọi việc diễn ra rất tốt đẹp đối với tưởng Bẩm và đoàn 559. Theo một báo cáo của CIA vào lùa hè năm trước, chỉ riêng trong tháng 6, Hà Nội đã đưa 1.500 lính vào miền Nam. Trong khi con số này rất nhỏ nhoi so với mấy năm sau đó, nhưng vào tháng 6-1961 nó đã gấp đôi tháng trước đó. Báo cáo còn bổ sung thêm rằng nếu muốn, Hà Nội có thể dễ dàng tăng cường việc xâm nhập theo đường mòn(5).
Hậu quả là tình hình ở Lào trở thành vấn đề lớn đối với Kenedy. Cần phải làm điều gì đó để ngăn cản dòng vận chuyển. Rostow và Taylor đề nghị có một chiến dịch gồm các lực lượng hỗn hợp của Lào, Thái và Nam Việt Nam phá hoại một số đoạn quan trọng để ngăn chặn sự xâm nhập. Lực lượng đặc biệt của Mỹ sẽ đóng vai trò cố vấn. Rostow và Taylor còn đề xuất hàng loạt các hoạt động chống lại Bắc Việt Nam, kể cả ném bom(6).
Kenedy chưa sẵn sàng cho những giải pháp này. Việc can thiệp quân sự vào Lào và ném bom Bắc Việt Nam rõ ràng là không ổn. Ông tuyên bố: "Tôi muốn có một giải pháp đàm phán Tôi không muốn dính líu về quân sự"(7).
Những cuộc đàm phán được tiến hành ở Giơnevơ 23-7-1962 và kết quả là trung lập hoá Lào. Làm sao có được kết quả này là một câu chuyện dài và phức tạp mà khi nhìn lại thì kết quả đó thật là thảm hại. Tuy nhiên lúc đó tổng thống ca ngợi hiệp định vì đã cho phép Mỹ tránh được sự can thiệp quân sự.
_________________________________________
1. Một sử gia của giai đoạn này viết rằng Taylor đã bỏ qua nhiều sĩ quan có kinh nghiệm. Những người này bao gồm chuẩn tướng William Yarborough, Giám đốc trung tâm chiến tranh đặc biệt ở Fort Bragg, đại tá William Peers người có kinh nghiệm về chiến tranh du kích từ OSS, và chuẩn tướng William Rossom, người trở thành trưởng phòng chiến tranh đặc biệt thuộc Hội đồng tham mưu trưởng liên quân. Xem Andrew Krepinevich, "Quân đội và Việt Nam”. Batimore, Nhà xuất bản Trường đại học Johns Hoppkins 1986, trang 64-65.
2. Xin trích Clausewitz "đó là những nơi mà nỗ lực của chúng ta cần hướng tới. Nếu đối phương bị mất thăng bằng, không để chúng có cơ hội phục hồi. Các cú đánh nối tiếp nhau phải được nhằm vào cùng một hướng”. Xem Carl Clausewitz, "Về chiến tranh", Nhà xuất bản trường Đại học Princeton, New York năm 1976, trang 595-597.
3. John M. Collins, "Địa quân sự”, Nhà xuất bản Bassey's. Washington, năm 1998, trang 367.
4. Võ Bẩm , "Mở đường Mòn”, trang 9.
5. Thư viện Kenedy, Hồ sơ về an ninh quốc gia, phần hồ sơ về Việt Nam, hộp số 193, thông tin này nêu trong "Báo cáo thực điạ của CIA”.
6. Sđd, Hồ sơ về An ninh khu vực Đông Nam Á, hộp 231A, xem “tờ trình của Rostow và Taylor lên Kenedy”.
7. Trích dẫn theo Walter Isaacson và Evan Thomas trong "Những người đàn ông khôn ngoan: sáu người bạn và thế giới do họ tạo ra”. Nhà xuất bản Simon và Schutter, 1986, trang 616.
Nhân vật chính của hiệp định Giơnevơ là W. Averel Harriman. Sinh ra trong một gia đình thuộc loại nổi tiếng và giàu có nhất nước Mỹ, Harriman kiếm được khoản tiền lớn trong chiến tranh thế giới thứ hai thông qua Công ty tàu biển. Vào giữa những năm 1920, ở tuổi 34 ông làm chủ đội tàu hàng lớn nhất nước Mỹ. Trong những năm 1930, ông mở rộng lãnh địa của đế chế xe lửa của cha mình và trở thành chủ tịch của Công ty Central ở Illinois năm 1931 và Pacific Union năm 1932.
Chiến tranh thế giới thứ hai đã đưa Harriman vào chính quyền, và ông đã bắt đầu một sự nghiệp 40 năm với tư cách là một nhà ngoại giao đầy quyền lực và có tính độc lập. Trong chiến tranh, ông đại diện cho Chương trình "thuê mượn" cho Anh và Nga, là đặc phái viên của tổng thống Roosevelt bên cạnh thủ tướng Churchill và Joseph Stalin. Năm 1943, Harriman được cử làm đại sứ tại Matxcơva. Và đây là điểm khởi đầu cho sự quan tâm của ông đến quan hệ Mỹ-Xô và tự cho rằng mình biết cách đối phó với người Nga. Sau chiến tranh, Harriman giúp hình thành chính sách ngoại giao của Mỹ trong những năm đầu của chiến tranh lạnh. Năm 1948, ông được tổng thống Truman cử làm đại diện chính thức của Mỹ tại châu Âu về kế hoạch Marshall và năm 1951, đại diện của Mỹ tại NATO.
Trong chính quyền, Harriman nổi tiếng là một người đấu tranh không khoan nhượng và độc đoán. Người nào mắc phải việc gì đó với ông chắc chắn sẽ gặp phiền hà lớn. Phương pháp tiến hành đàm phán của ông được nhân viên mô tả là "tra tấn bằng nước. Ông ta nhắc đi nhắc lại luận điềm của mình cho đến khi đối phương nhượng bộ". Sau khi quan sát Harriman làm việc, Mac Bundy gọi ông là "cá sấu ". “Con cá sấu chỉ nằm ườn ở bên bờ sông, mắt khép hờ, trông như ngái ngủ. Rồi đột nhiên nó nhảy lên ngoạm một miếng”. Từ đó biệt danh này gắn liền với ông. "Boby Kenedy tặng Harriman một con cá sấu vàng, còn nhân viên thì tặng một con bằng bạc với dòng chữ đề tặng: từ những nạn nhân của ngài"(1).
Mặc dù giàu kinh nghiệm ngoại giao, Harriman không có vị trí gì lớn trong chính quyền mới. Đầu tiên, ông giữ một chức vụ vô thưởng vô phạt là Đại sứ lưu động, một chức vụ chẳng có quyền hành gì ở Washington. Tháng 10-1961, Kenedy bổ nhiệm ông là trợ lý ngoại trưởng về các vấn đề Viễn Đông. Đây chính là bộ phận bị tác động nặng nề nhất trong thời kỳ McCarthy. Dẫu sao, Trung Quốc đã bị mất. Khi nhận chức, Harriman mô tả cơ quan là "một vùng đất hoang... một thảm hoạ đầy những xác chết."(2).
Việc Harriman dính líu vào Lào gần như là ngẫu nhiên. Lào không phải là vấn đề mà ông quan tâm. Nhưng ông coi việc này là con đường đưa ông trở lại quyền lực: tổng thống đang muốn có giải pháp đàm phán và Harriman mang lại điều đó. Ông được ban thưởng bằng việc bổ nhiệm giữ chức thứ trưởng ngoại giao phụ trách các vấn đề chính trị.
Lào ở trong tình trạng phức tạp và rối rắm. Đất nước này giành độc lập từ người Pháp sau hội nghị Giơnevơ 1954 nhưng ngay sau đó rơi vào cuộc đấu tranh giành quyền lực giữa Lào cộng sản do Hoàng thân Xuphanuvông lãnh đạo và chính phủ hoàng gia Lào do Hoàng thân Xuvanna Phuma, người anh cùng cha khác mẹ với Xuphanuvông. Nhưng cuộc tranh giành này không dừng lại trong phạm vi gia đình. Hà Nội hậu thuẫn Xuphanuvông, Mỹ giúp Xuvanna Phuma. Từ 1954-1958, Pathet Lào, vốn chỉ kiểm soát hai tỉnh phía đông bắc Lào, tìm cách mở rộng thế lực, trong khi chính phủ cố giành lại những khu vực này. Năm 1959, tình trạng đối địch ngày càng tăng khi phe cộng sản với sự giúp sức của Hà Nội tấn công một số vị trí tiền tiêu ở đông bắc Lào.
Từ 1959-1962, xung đột đã trở thành cuộc nội chiến. Giai đoạn này còn được đánh dấu bởi các cuộc đảo chính liên tiếp trong chính phủ hoàng gia Lào làm nảy sinh nhóm trung lập do Hoàng thân Xuvanna Phuma lãnh đạo và nhóm cánh hữu do tướng Phumi Nôxavẳn cầm đầu. Viên tướng này cướp chính quyền tháng 3-1961, Hoàng thân Phuma chạy sang Campuchia. Đầu năm 1962, Phuma thành lập căn cứ tại Cánh đồng Chum ở Trung Lào.
Việc tranh giành này đã giúp củng cố vị trí của Pathet Lào và Hà Nội. Những người theo phái trung lập đã tìm thấy lợi ích khi liên minh với Pathet Lào. Ngay sau đó, Matxcơva đã nhảy vào cuộc, lấy danh nghĩa công khai là ủng hộ phe Suvanna Phuma, người đã đề nghị Liên Xô giúp đỡ sau khi Mỹ ngừng viện trợ cho chính phủ của ông và doạ rút cố vấn quân sự ngay trước khi Phumi nắm quyền lực. Liên Xô đã lợi dụng lời mời này để cung cấp viện trợ cho các lực lượng Bắc Việt Nam và Pathet Lào. Phái trung lập chỉ nhận được những gì còn lại sau khi Bắc Việt Nam và Pathet Lào lấy đi phần của mình. Số đó chẳng nhiều nhặn gì.
Đó là tình hình khi Harriman vào cuộc. Ông tin Xuvanna Phuma là yếu tố chủ chốt của một giải pháp đàm phán. Harriman thúc giục cả ba bên chấp nhận về nguyên tắc thành lập chính phủ hoà giải dân tộc, và tháng 12-1961, Hội nghị Giơnevơ thông qua bản tuyên bố tạm thời về trung lập. Vấn đề lớn nhất đối với Harriman, theo David Halberstam trong cuốn "Những người xuất sắc và thông minh nhất", là "cố thuyết phục người Xôviết rằng họ gần như chẳng mất gì" khi chấp nhận giải pháp trung lập. Halberstam nhận xét là ngay cả Harriman cũng cho đó quả là một công việc khó(3). Khi hồi tưởng lại, mọi người có thể tự hỏi phải chăng Matxcơva không hiểu ý nghĩa của việc Lào trung lập hay chính Harriman và chính quyền Washington không hiểu, trong khi hai trong số ba bên của giải pháp là đông minh của Liên Xô. Điều không kém phần quan trọng là trong khi Mỹ công khai mang lại sự kết thúc nhanh chóng cho cuộc khủng hoảng ở Lào, họ đã không ngăn cản tướng Bẩm và đoàn 559 tiếp tục làm việc trên con đường Hồ Chí Minh.
Tháng 6-1962, các bên của Lào gặp nhau tại Cánh đồng Chum để thảo ra bản hiệp định và thành lập chính phủ liên hiệp thống nhất dân tộc. Hiệp định này có hiệu lực ngày 23-6, và Lào được tuyên bố trung lập ngày 6-7. Theo Hiệp định mọi lực lượng nước ngoài: Mỹ, Liên Xô, Việt Nam phải rút khỏi Lào.
Uỷ ban kiểm soát quốc tế, có trách nhiệm giám sát các cửa khẩu rút quân đội nước ngoài ở Lào, chỉ ghi nhận việc rút 40 người thuộc Bắc Việt Nam. Theo ước tính có đến 10 000 bộ đội Việt Nam tại Lào(4), không kể đoàn 559 của tướng Bẩm. Trên thực tế, chính quyền Kenedy đã nhường Lào và việc sử dụng thoải mái đường mòn Hồ Chí Minh cho Hà Nội. Các báo cáo tình báo cho biết vào mùa xuân 1963, quân đội Bắc Việt Nam đã đẩy lùi lực lượng tướng Phumi ra xa mạng lưới đường mòn đang mở rộng, và các đoàn xe tải tiếp tục chở hàng cung cấp dọc theo tuyến đường. Ở Sài Gòn, tướng Harkin tìm cách làm giảm ý nghĩa của việc này bằng cách cho đây là sự đồn đoán vô căn cứ.(5).
__________________________________________
1. Những người dàn ông khôn ngoan, Sđd, trang 618.
2. Trích theo Halberstam, "Những người xuất sắc và thông minh nhất” trang 189.
3. Halberstam, "Những người xuất sắc và thông minh nhất", trang 92.
4. John M. Newman. "JFK và Việt Nam: Lừa dối, âm mưu và tranh giành quyền lực” Nhà xuất bản Warner Book, New York, trang 296.
5. Jon M. Newnlan, Sđd, trang 14.
Trong khi sự "trung lập" của Lào đang được đàm phán năm 1962, chương trình hoạt động ngầm của CIA chống Bắc Việt Nam đang được ráo riết tiến hành. Bộ phận hành động Bắc Việt Nam thuộc trung tâm CIA ở Sài Gòn do Gilbert Layton lãnh đạo chỉ có một số ít nhân viên. Trong số đó có một vài người như Lucius, Conein, Tucker Gougelmann sau này đã trở thành huyền thoại. Trưởng trung tâm Sài Gòn lúc bấy giờ là Bill Colby, một ngôi sao đang lên của CIA. Vốn là cựu nhân viên OSS, Colby đã cộng tác với phong trào kháng chiến Pháp trong chiến tranh thế giới thứ hai. Kinh nghiệm đó đã cho ông thấy giá trị của hoạt động ngầm. Cũng giống như các nhân viên CIA đương đại, Colby học tại các trường thuộc Ivy League - chỉ các trường đại học ở bờ Đông nước Mỹ. Tốt nghiệp đại học ở trường Princeton, ông nhận bằng luật tại trường đại học Colombia sau chiến tranh thế giới thứ hai. Colby đã làm luật sư về lao động trước khi gia nhập CIA năm 1950. Vào năm 1959, ông là trưởng trung tâm CIA ở Việt Nam. Sau đó ông được bổ nhiệm là Trưởng phòng Viễn Đông thuộc Cục kế hoạch. Colby giải thích rằng mục đích của chương trình bí mật là "làm tăng tình hình mất an ninh ở Bắc Việt Nam tương xứng với tình hình mất an ninh họ tạo ra ở miền Nam." Như Colby nhớ lại, Kenedy đã tiếp nhận ý tưởng này(1).
Các hoạt động này kèm theo những gì? Mức độ tập trung ra sao? Hà Nội có cảm thấy rõ hơn về an ninh nội bộ trong năm 1962 không? Theo Colby, chương trình hoạt động ngầm trong hai năm 1961-1963 rất khiêm tốn. Chương trình này bao gồm "các toán gián điệp xâm nhập vào miền Bắc". Khi được hỏi về mục đích, Colby cho biết: ý nghĩ ban đầu của ông là "thành lập một căn cứ cho hoạt động của phong trào chống đối". Tuy nhiên, đó không phải là nhiệm vụ mà ông thực sự giao cho họ. Đầu tiên, các toán gián điệp này có nhiệm vụ thu thập tình báo. Sang năm 1962, họ khuyển sang nhiệm vụ phá hoại và quấy rối. Vào năm sau, các toán gián điệp được giao nhiệm vụ tiến hành chiến tranh tâm lý.
Cho dù với nhiệm vụ gì đi nữa, kết quả đều giống nhau. Tất cả đều thất bại. Bắc Việt Nam không phải là nước Pháp, như Colby sau đó đã nhận ra. Hơn 30 toán gián điệp và các điệp viên đơn tuyến được cử xâm nhập miền Bắc qua đường biển, đường không và đường bộ trong giai đoạn 1961-1963. Rất nhiều người trong số điệp viên là người miền Bắc di cư vào Nam theo các điều khoản cho phép tái định cư của Hiệp định Giơnevơ năm 1954. Trong sổ ghi sự kiện của CIA, bên cạnh mã hiệu của từng toán thường có dòng chữ: "bị bắt ngay sau khi tiếp đất", "bị bắt làm gián điệp đôi, bị tiêu diệt", “không có liên lạc, mất liên lạc"(2). Trong thực tế vào năm 1963, chỉ còn bốn toán và một điệp viên được coi là còn hoạt động ở miền Bắc. Số còn lại đã chết, đang ở trong nhà tù, hoặc hoạt động dưới sự kiểm soát của đối phương.
Điều này gợi nhớ lại những hoạt động ở các địa bàn bị từ chối trong quá khứ, như Colby sau này đau xót nhắc lại "Anh biết đấy, chúng tôi tham gia hỗ trợ một tổ chức chống đối Ba Lan mà không ngờ tổ chức này hoàn toàn giả tạo. Người Đông Đức nói rằng rất nhiều trong số điệp viên của Mỹ là do họ điều khiển. Người Cu Ba gần đây cũng nói như vậy. Vì vậy, Việt Nam cũng không phải là một câu chuyện hay ho gì”(3).
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự bất hạnh của CIA ở Bắc Việt Nam, mà phần lớn trong số đó là do sự không thích ứng của CIA. Trước hết, CIA không phải là người tuyển chọn điệp viên cho từng toán. Đối tác Nam Việt Nam chịu trách nhiệm tuyển chọn trong số dân miền Bắc hiện đang sống ở miền Nam. Việc kiểm soát chất lượng là vấn đề lớn. Thứ hai, các toán được xâm nhập rải rác khắp miền Bắc mà không hề tính toán tới khả năng tập trung họ vào một vùng nhất định sau đó mới mở rộng. Không hề có nhân tố thân thiện trong các địa bàn mà các toán xâm nhập. Những chuyến xâm nhập này được "thả tù mù”, vì theo Colby "không có gì để giúp cho việc xâm nhập. Không có mạng lưới tình báo (tại chỗ ở miền Bắc)"(4). Hơn nữa, một số toán nhảy dù vào vùng xa và không có tầm quan trọng, những nơi mà riêng việc tồn tại được đã rất khó khăn. Thứ ba, các toán đều phụ thuộc vào việc cung cấp qua đường không. Với điều kiện vật chất hạn hẹp của mình, điều này rất khó đối với CIA. Thứ tư, các toán không được trang bị tốt về giấy tờ giả để thoát thân trong môi trường an ninh được kiểm soát ở miền Bắc. Cuối cùng, có những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến yếu tố an ninh của các chiến dịch. Một số người nghi rằng, các hoạt động này đã bị tình báo Bắc Việt Nam xâm nhập.
Đây không phải là những điều mà tổng thống Kenedy mong đợi. Khi nhắc lại những hoạt động này Herb Weisshart cho rằng kết quả đó không có gì đáng ngạc nhiên: các toán "không được mời đến, ở đó không có phong trào chống đối nào cả... Lý do cơ bản là môi trường hoạt động không dễ dàng cho các điệp viên thâm nhập. Không có ai để móc nối và bắt đầu hoạt động chống đối. Dĩ nhiên không thể làm được những gì chúng ta mong muốn."(5). Bắc Việt Nam không phải là nước Pháp trong chiến tranh thế giới thứ hai mà giống như các địa bàn bị từ chối ở các nước cộng hoà Ban Tích, Ba Lan, Anbani, và Ucraina. Tuy nhiên, có một khác biệt lớn giữa Việt Nam và các nước khác thuộc khối cộng sản vào những năm 1950 mà Weisshart không đề cập tới: Hà Nội đang trong chiến tranh với một siêu cường.
Ngoài các toán gián điệp, Trung tâm CIA ở Sài Gòn thực hiện một số hoạt động quy mô nhỏ dọc theo bờ biển Bắc Việt Nam. Ngay trong hoạt động này, nhiệm vụ của bộ phận hành động của Tucker Gougelman luôn thay đổi. Đầu tiên, nhiệm vụ này là trinh sát và thu thập tin tức tình báo và một thời gian ngắn sau đó bổ sung thêm nhiệm vụ tung các toán gián điệp theo đường biển. Năm 1962, nhiệm vụ này là quấy rối và tập kích phá hoại. Gougelman, người phụ trách các hoạt động trên biển, nguyên là lính thuý đánh bộ đã từng bị thương nặng tại Thái Bình Dương trong chiến tranh thế giới thứ hai. Khi là nhân viên CIA, Gougelman đã tiến hành các hoạt động tại địa bàn bị từ chối ở các nước Đông Âu trong những năm 1950 trước khi chuyển sang Việt Nam. Nhưng theo đô đốc Harry D. Felt, tư lệnh Thái Bình Dương, thì các hoạt động do Gougelman điều hành chống lại Bắc Việt Nam quá nhỏ bé và mức độ thành công cũng rất khiêm tốn. Lúc đó, Felt tin rằng hoạt động ngầm chống lại Hà Nội sẽ có kết quả và buộc Hà Nội ngừng hỗ trợ hoạt động nổi loạn ở miền Nam. Nhưng để đạt được điều đó cần phải làm nhiều hơn những “hoạt động phá hoại ở hải phận phía Bắc hiện tại vì những hoạt động này không đủ nhanh và được trang bị vũ khí cần thiết" để tạo ra tác động mong muốn. Theo quan điểm của ông "những người vạch kế hoạch của CIA không được huấn luyện phù hợp để tiến hành các phi vụ loại này."(6). Vào cuối năm 1962, các phi vụ Bắc tiến của mảng hoạt động trên biển trong chương trình của CIA nhận được các tàu phóng lôi. Năm sau, có thêm tàu tuần tiễu Na Uy, có tên "Nasty". Nhưng hoạt động này có quy mô không lớn và nhiều lắm cũng chỉ gây ra những khó chịu nhỏ cho Hà Nội. Vào cuối năm 1962, mọi thứ đã quá đủ với Colby. Ông vạch kế hoạch chuyển trọng tâm hoạt động ngầm chống lại miền Bắc của CIA sang hoạt động chiến tranh tâm lý mà đến thời điểm đó vẫn bị coi nhẹ. Ông kết luận, "hoạt động gián điệp không hiệu quả. Lập luận của tôi là nếu chúng ta dành nỗ lực đúng mức vào hoạt động chiến tranh tâm lý bao gồm đài phát thanh và những thứ tương tự, bạn có thể tạo ra tác động vì những người cộng sản thường rất nhậy cảm với mối nguy hiểm của sự chống đối và nếu bạn tạo cho họ có ấn tượng rằng có một nhóm đối lập trong hàng ngũ của họ, thì điều đó sẽ làm cho họ phát điên."(7).
Herb Weisshart được cử đến Sài Gòn để lãnh đạo hoạt động chiến tranh tâm lý. Ông đã từng thực hiện các hoạt động tương tự đối với các mục tiêu khác. "Hầu như mọi thứ chúng ta làm chống lại miền Bắc đều đã thực hiện ở đâu đó”. Khi đến Sài Gòn Weisshart thấy rằng "chưa hề có một hoạt động chiến tranh tâm lý nào, họ giao cho tôi làm kế hoạch". Kế hoạch này bao gồm "tăng cường thả truyền đơn, các chương trình phát thanh" và tạo ra một phong trào chống đối giả có tên "Gươm thiêng ái quốc" của Liên đoàn những người yêu nước. Theo Weisshart, mục đích của chương trình chiến tranh tâm lý là "xem chúng ta có thể làm được gì để buộc Bắc Việt Nam phải dành ra một phần nguồn lực và phải lo lắng về những gì chúng ta đang làm ở hậu phương của họ"(8 ).
Như vậy, khi năm 1962 sắp kết thúc, chương trình hoạt động ngầm của CIA chống lại Bắc Việt Nam vẫn đang ỳ ạch, còn xa mới đạt được những ý định của Kenedy. Thật khó làm cho Hà Nội lo ngại về an ninh nội bộ của mình bằng những hoạt động như vậy. Và điều đó không qua được mắt CIA. Cơ quan này chuẩn bị một kế hoạch hoạt động ngầm khác chống Bắc Việt Nam và gửi cho tổng thống tháng 1-1963, nhưng Mac Bundy nghi ngờ khả năng thực hiện kế hoạch đó. Bundy nói với Kenedy "không có đủ cơ sở để tin rằng việc thực hiện kế hoạch này sẽ không gặp phải những khó khăn mà CIA đã từng đối mặt tại các địa bàn bị từ chối"(9).
________________________________________
1. Phỏng vấn do tác giả thực hiện với William Colby trong “MACVSOG: lịch sử qua phỏng vấn với các nhân viên phục vụ trong MACVSOG OP34”.
2. Hội đồng tham mưu liên quân (JCS), “Bộ chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ ở Việt Nam. Nhóm nghiên cứu và quan sát (MACVSOG) tài liệu nghiên cứu tháng 7-1970, phụ lục C và B "hoạt động không vận”, trang 63-65.
3, 4. Phỏng vấn do tác giả thực hiện với William Colby đăng trong "MACVSOG: lịch sử qua phỏng vấn với các nhân viên phục vụ trong MACVSOG OP34”. Chương trình nghiên cứu an ninh quốc tế, Trường luật và ngoại giao Fletcher, tháng 7-1996, trang 10, 15
5. Phỏng vấn do tác giả thực hiện với Herb Weisshart, đăng trong “MACVSOG: lịch sử qua phỏng vấn với các nhân viên phục vụ trong MACVSOG OP34" Chương trình nghiên cứu an ninh quốc tế, Trường luật và ngoại giao Fletcher, tháng 7-1996, trang 7.
6. Edward Marolda và Osca Fitzgerald, “Hải quân Hoa Kỳ và cuộc xung đột Việt Nam", Trung tâm lịch sử hải quân, Washington DC, 1986, trang 203.
7. Phỏng vấn do tác giả thực hiện với William Colby đăng trong “MACVSOG: lịch sử qua phỏng vấn với các nhân viên phục vụ trong MACVSOG OP34". Chương trình nghiên cứu an ninh quốc tế, Trường luật và ngoại giao Fletcher, tháng 7-1996, trang 13.
8. Phỏng vấn do tác giả thực hiện với Herb Weisshart, đăng trong “MACVSOG: lịch sử qua phỏng vấn với các nhân viên phục vụ trong MACVSOG OP34". Chương trình nghiên cứu an ninh quốc tế, Trường luật và ngoại giao Fletcher, tháng 7- 1996, trang 5.
9. Trích theo Ban biên tập của Công ty xuất bản Boston, “Chiến tranh trong bóng tối”, Boston năm 1988. trang 48.
LẦU NĂM GÓC NHẬN NHIỆM VỤ OPLAN 34A VÀ VIỆC HÌNH THÀNH MACVSOG
Tháng 7-1962, McNamara tổ chức một cuộc họp tại Hawai với các quan chức của Bộ Quốc phòng, Bộ chỉ huy Thái Bình Dương, CIA, Bộ Ngoại giao và MACV để xem xét việc quân đội tiếp nhận các hoạt động bán quân sự ở Việt Nam theo chỉ thị 57. Quá trình bàn giao các chương trình bán quân sự này mang mật danh “chiến dịch Switchback".
Tại cuộc họp, tướng Harkin nói với McNamara một cách tin tưởng rằng "Chúng ta đang ở phía giành chiến thắng. Nếu các chương trình được tiếp tục, các hoạt động của Việt Cộng sẽ suy giảm"(1). Tiếp theo ông tóm tắt những tiến bộ thu được từ các chương trình ấp chiến lược, hoạt động của Quân đội Việt Nam cộng hoà, việc huấn luyện lực lượng phòng vệ dân sự và bảo an,v.v... McNamara tỏ ra phấn khởi và nhận xét rằng "sáu tháng trước, hầu như chúng ta không có tin tức gì tích cực, từ đó đến nay chúng ta đã đạt được những tiến bộ to lớn". Ông hỏi Harkin còn bao lâu nữa thì "Việt Cộng bị tiêu hao đến mức chỉ còn là lực lượng không đáng kể". Người đứng đầu MACV đã trả lời "dự kiến mất khoảng một năm sau khi quân đội Việt Nam cộng hoà đạt đến mức hoạt động tối đa và gây sức ép đối với Việt Cộng ở mọi nơi". Đây quả là tin tốt lành và bước ngoặt lớn. Tuy nhiên McNamara tỏ ra thận trọng hơn Harkin, cho rằng cần phải mất khoảng ba năm để quân đội Việt Nam trở nên "hoạt động tối đa" và kết liễu Việt Cộng"(2). Như vậy, và như các số liệu thống kê đã chứng minh, Hoa Kỳ đang đi đúng hướng.
Suy nghĩ ảo tưởng và sự lạc quan không đúng chỗ của Harkin lây lan nhanh chóng. Điều này sớm được phản ánh trong báo cáo của đại diện quân sự của tổng thống, tướng Max Taylor. Vừa từ Việt Nam trở về tháng 9 năm 1962, Taylor đã trình bày một bản ca ngợi thành tích và tuyên bố rằng "đã đạt nhiều tiến bộ kể từ chuyến thăm của tôi tháng 10 năm 1961"(3). Trong khi chứng cứ cho thấy điều ngược lại, nhất là từ các sĩ quan lục quân Hoa Kỳ là cố vấn cho các đơn vị quân đội Việt Nam cộng hòa ở vùng nông thôn cũng như từ báo cáo của CIA. Năm 1962 kết thúc với việc McNamara, Harkin, Taylor tất cả đều phấn khởi vì những tiến bộ ở Việt Nam. Họ đã tự lừa dối mình: Mỹ không đang giành thắng lợi.
Điều này là rõ ràng đối với các cố vấn quân sự Mỹ, những người theo dõi rất sát tình hình. Việt Cộng không tỏ ra sợ hãi quân đội Việt Nam cộng loà. Điều này được minh chứng bằng trận ấp Bắc tháng 12 năm 1962. Tại đồng bằng sông Mê Công, cách Sài Gòn 40 dặm về phía tây nam, ba đại đội Việt Cộng cố thủ dọc theo chiến hào dài một dặm giữa ấp Bắc và ấp Tân Thới. Trung đoàn 7 của quân đội Việt Nam cộng hoà được trang bị bằng súng tự động và xe bọc thép và được hỗ trợ bằng máy bay ném bom và máy bay trực thăng, tấn công vào các vị trí phòng thủ của Việt Cộng nhưng bị đẩy lùi bởi khoảng 300 du kích. Cuộc chiến kết thúc vào tháng 1-1963 bằng việc Việt Cộng rút lui một cách an toàn. Âp Bắc là một thất bại ê chề. Thất bại này cho thấy tình trạng chỉ huy kém cỏi và tinh thần chiến đấu rệu rã của quân đội Việt Nam cộng hoà. Một trung đoàn quân chính quy mà không thể chiến thắng tinh thần chiến đấu của 300 Việt Cộng. Ấp Bắc đã phủ bóng đen lên luận điểm rằng Mỹ và Nam Việt Nam đang giành thắng lợi.
Tiếp sau đó là cuộc chiến về các báo cáo tình báo. Ngày 11 tháng 1, Văn phòng tin tức tình báo của CIA đưa ra báo cáo "Tình hình cuộc chiến tranh ở Việt Nam" cho rằng "thuỷ triều vẫn chưa bị đẩy lùi. Nam Việt Nam đã có một số tiến bộ nhưng chủ yếu là do sự hỗ trợ mạnh mẽ của Mỹ. Tuy nhiên Việt Cộng tiếp tục mở rộng và tận dụng tính hiệu quả của mình và ngày càng trở nên mạnh bạo hơn trong các cuộc tấn công". Bản báo cáo đưa ra kết luận rằng tình trạng hiện tại là bế tắc, nhưng nhận định này không hề được các cơ quan khác chấp nhận. Bản báo cáo đã đưa ra một bức tranh trong đó Việt Cộng đang gia tăng thách thức còn chính phủ Nam Việt Nam thì đang đối phó với thách thức đó một cách rất khó khăn.
Forrestal, một nhân viên của Hội đồng an ninh quốc gia, còn vẽ ra cho tổng thống một bức tranh ảm đạm hơn. Là con trai của Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên, Forrestal từng là trợ lý cho Harriman về kế hoạch Marshall. Tốt nghiệp trường Luật Harvard, Forrestal làm việc ở phố Uôn (Wall) trước khi đến làm việc tại Hội đồng an ninh quốc gia về vấn đề Việt Nam. Cuối tháng 12-1962, tổng thống Kenedy đã cử ông sang Việt Nam để nắm tình hình tại chỗ. Ngày 11-2-1963, Forrestal cho tổng thống biết rằng chiến tranh sẽ rất tốn kém và kéo dài. Ông không tin các số liệu thống kê của MACV về thương vong của Việt Cộng được sử dụng để chứng minh sự thắng thế của Mỹ. Ông chỉ ra rằng không ai có thể biết rõ rằng trong số 20.000 Việt Cộng bị chết vào năm ngoái có bao nhiêu là người vô tội hoặc chỉ là những người dân ấp có thiện cảm với Việt Cộng. Hơn nữa, Việt Cộng có thể tuyển mộ người thay thế số thương vong một cách dễ dàng. Forrestal cũng đặt câu hỏivề số lượng ấp chiến lược đã được xây dựng thành công. Chương trình này là trọng điểm cho nỗ lực của Hoa Kỳ ở Nam Việt Nam. Mục đích của chương trình là tái định cư dân chúng ở nông thôn vào các ấp tập trung và được bảo vệ để chống lại ảnh hưởng và hoạt động tuyển lựa hoặc tấn công của Việt Cộng. Theo Forrestal, chương trình này có rất nhiều nhược điểm. Chương trình đã tạo ra sự căm ghét của những người dân bị di dời, không đảm bảo đủ an ninh để chống lại Việt Cộng, thêm vào đó tình trạng tham nhũng cũng như quản lý yếu kém của các quan chức của Nam Việt Nam là rất phổ biến(4).
__________________________________________
1, 2. “Hồ sơ hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng lần thứ sáu, Trại Smith, Hawai. 23-7-1962” trong FRUS. 1961-1963: Việt Nam. tập 2. tr. 546, 548 - 549.
3. “Báo cáo của đại diện quân sự của tổng thống" trong sđd trên, trang 660
4. "Tờ trình của Giám đốc Văn phòng tình báo và nghiên cứu (Roger Hilsman) và Micheal V. Forrestal của Hội đồng an ninh quốc gia lên Tổng thống" trong sđd trên, trang 49-62.
Hai tháng sau, bản Báo cáo tình báo quốc gia về Việt Nam đã sửa đổi của CIA đưa ra đánh giá khác với Forrestal. Được công bố ngày 17-4, bản báo cáo này cho rằng "tiến bộ của cộng sản đã bị đẩy lui và tình hình đang được cải thiện". Vì bản thảo đầu tiên tỏ ra quá bi quan, Giám đốc CIA John McCone đã "phê phán bản báo cáo và gửi trả lại ban soạn thảo”(1). Khi được viết lại, bản báo cáo đã mang âm hưởng lạc quan. Taylor, Harkins, Rostow, Krulak và các thành viên khác của chính quyền đều là những người theo chủ nghĩa lạc quan và McCone muốn bảo đảm rằng Báo cáo tình báo quốc gia phải phù hợp với đánh giá tích cực của họ đối với tình hình. Ở cấp thấp hơn, những người tham gia trực tiếp vào thực tế chiến trường ở Việt Nam lại có cách nhìn nhận hoàn toàn khác. Sự không nhất quán trong Báo cáo tình báo quốc gia, sự khác biệt giữa đánh giá của Forrestal với của McNamara và Taylor cho thấy sự bất đồng quan điểm ở các cấp trong chính quyền vào đầu năm 1963.
Ngay sau khi những đánh giá lạc quan của Báo cáo tình báo quốc gia 53-63 được đưa ra, tình hình chính trị ở Nam Việt Nam trở nên hỗn loạn. Căn cứ theo một đạo luật cũ của Pháp cấm phật tử treo cờ nhiều màu, viên phó tỉnh trưởng người Thiên Chúa giáo ra lệnh cho quân lính xả vào hai muơi nghìn phật tử đang kỷ niệm ngày Phật đản ở Huế. 9 phật tử bị chết và khoảng 20 người bị thương. Sự kiện Huế phơi bày một điểm yếu nữa của chính phủ Sài Gòn. Diệm và gia đình là những người theo đạo Thiên Chúa. Trong khi ở miền Nam đa số dân chúng theo đạo Phật, phần lớn các vị trí chủ yếu trong bộ máy hành chính, quân sự và cơ quan cảnh sát lại là người công giáo. Tôn giáo trở thành con đường tiến thân và tạo ảnh hưởng chính trị. Phản ứng lại xu hướng thân công giáo, phật tử hình thành tổ chức chính trị đối lập chống chính phủ Diệm vào cuối những năm 1950. Vào năm 1963, tổ chức này đã phát triển thành một phong trào chính trị quan trọng.
Rõ ràng Diệm muốn giấu nhẹm sự kiện ở Huế bằng việc đổ lỗi cho Việt Cộng nhưng không được. Lãnh đạo phật giáo bác bỏ lập luận của Diệm và đòi công lý từ chính phủ. Họ không nhận được điều họ muốn và việc đông đảo phật tử tham gia biểu tình đã trở thành cuộc trưng cầu dân ý về sự hợp pháp của chính quyền Diệm. Tại Huế đã diễn ra những cuộc biểu tình lớn với những vụ sư tự thiêu để phản đối hành động của chính phủ. Những hình ảnh nhà sư tự thiêu trên đường phố Sài Gòn làm cho tổng thống Kenedy choáng váng. Đó là hình ảnh khủng khiếp mà cô em dâu của Diệm - bà Nhu - đã đưa vào bàn tiệc bằng tuyên bố phi nhân tính. Bà Nhu đã gọi việc tự thiêu là món "nướng" và sẵn sàng cấp thêm xăng cho ai muốn nấu món này. Trong suốt mùa hè, chồng của bà và là em trai của Diệm đồng thời là người cầm đầu cơ quan cảnh sát đặc biệt ra lệnh tấn công vào chùa chiền. Vào tháng 7, các vị tướng Nam Việt Nam đã cho Lucius Conein, một nhân viên CIA biết rằng họ đang có kế hoạch làm đảo chính.
Trước nguy cơ việc đổ vỡ từng mảng ở Nam Việt Nam phá hỏng những "tin vui" của năm 1962, chính quyền Mỹ tìm cách giải quyết tình hình đang nhanh chóng xấu đi. Tại cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng tổ chức tại Bộ chỉ huy quân sự Thái Bình Dương ngày 6-5-1963, việc gia tăng hoạt động bí mật chống phá miền Bắc trở thành một nội dung chủ yếu. Hội nghị quyết định gây sức ép đối với miền Bắc. Cuối tháng 5, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân chỉ thị cho Bộ chỉ huy quân sự Thái Bình Dương gia tăng hoạt động bí mật ở Bắc Việt Nam. Đô đốc Felt giao cho ban tham mưu vạch kế hoạch cho những hoạt động này.
Nói tóm lại, cuộc khủng khoảng ở Nam Việt Nam vào nửa đầu năm 1963 cùng với sự không hài lòng của tổng thống đối với khả năng của CIA trong việc thực hiện những hoạt động bán quân sự có quy mô lớn chống lại Hà Nội đã khởi động tiến trình vạch kế hoạch dẫn đến việc mở rộng hoạt động bí mật của Washington ở Đông-Nam Á. Ngày 17-6-1963, Bộ chỉ huy quân sự Thái Bình Dương đệ trình bản thảo kế hoạch hoạt động lên Hội đồng tham mưu trưởng liên quân. Bản kế hoạch này đề xuất hàng loạt hoạt động ngầm sẽ được thực hiện để chống lại miền Bắc nằm trong một kế hoạch tổng thể mang tên Kế hoạch 34A - được biết đến với tên tiếng Anh là OPLAN34A. Mục đích hoạt động này là buộc giới lãnh đạo Hà Nội phải giảm bớt, và khi có thể, chấm dứt sự hỗ trợ đối với hoạt động bạo loạn ở miền Nam.
Maxwell Taylor, lúc này đã chuyển từ Nhà Trắng sang Lầu Năm Góc để giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, không phê duyệt ngay mà giữ lại kế hoạch này trong vòng hai tháng. Tại sao Taylor lại om kế hoạch này cho đến tháng 9, thật là một câu hỏi khó lý giải. Rất có thể là do sự kết hợp của các nguyên nhân sau: (1). Tình hình ở Nam Việt Nam đã đạt đến điểm khủng khoảng và điều này chiếm nhiều thời gian của bên hành pháp, (2). Ngay cả trong trường hợp Taylor muốn nhanh chóng triển khai các đề xuất của Bộ chỉ huy quân sự Thái Bình Dương, MACV không có bất kỳ một tổ chức bán quân sự nào để thực hiện nhiệm vụ này, (3). Taylor không tin hoạt động ngầm có thể đạt được mục tiêu đề ra và không coi việc thực hiện các hoạt động đó là nhiệm vụ của quân đội. Trái ngược với những gì chính quyền Kenedy tính toán, các nguồn lực cần thiết cũng không sẵn có tại Bộ Quốc phòng, (4). Diệm không quan tâm đến đề nghị này vì còn lo lắng cho sự tồn tại chính trị của chính mình.
Cuối cùng, bản kế hoạch được Taylor phê duyệt vào ngày 9-9, nhưng lại bị quên lãng thêm hai tháng nứa. Lần này là do những màn kịch chính trị diễn ra trên chính trường Nam Việt Nam mà đỉnh cao là việc ám sát Ngô Đình Diệm ngày 1-11-1963 cũng như sự hoài nghi của Taylor đối với hiệu quả của các biện pháp chiến tranh đặc biệt. Kế hoạch 34A của Bộ chỉ huy quân sự Thái Bình Dương được đưa vào chương trình nghị sự của một cuộc họp đặc biệt về Việt Nam tổ chức tại Honolulu do McNamara chủ trì ngày 20-11-1963, hai ngày trước khi Kenedy bị ám sát. Với những diễn biến trong 11 tháng trước đó, không khí cuộc họp thật ảm đạm. Ngoài việc tìm ra những biện pháp tiến hành chiến tranh hiệu quả hơn với Hội đồng cách mạng quân sự của các viên tướng miền Nam đã thay thế Diệm,cuộc họp thảo luận cách củng cố sự phối hợp giữa MACV và CIA và mở rộng hoạt động bí mật chống lại miền Bắc.
Quan hệ giữa CIA và MACV trở nên căng thẳng xung quanh chiến dịch "Switchback". Chính quyền Kenedy một lần nữa kết luận rằng CIA không đủ khả năng hoạt động chống lại các địa bàn bị từ chối và rằng đã đến lúc phải thay đổi điều đó. Và lần này Bộ Quốc phòng cũng tin như vậy. McNamara cho rằng họ có thể mang lại kết quả tốt hơn. Những gì cần ở đây là một nỗ lực rộng khắp chứ không phải các hoạt động hạn hẹp mà CIA thực hiện. Colby, người cũng dự cuộc họp này, đã cố gắng làm thay đổi ý kiến đơn giản cho rằng chỉ cần bổ sung thêm nguồn lực sẽ có thể làm thay đổi đáng kể tìnhư thế. Ông kết luận hoạt động ngầm, bất kể quy mô hoạt động như thế nào, chống lại Bắc Việt Nam đều không thể thành công. Và chính điều này đã làm ông, khi giữ cương vị Cục trưởng Cục Viễn Đông của CIA, đã giới hạn các hoạt động ngầm trong phạm vi chiến tranh tâm lý.
Colby nhớ lại, tại cuộc họp đó "thái độ chung của phía quân sự là CIA làm quá ít và quá ì ạch. Một nhúm điệp viên, vài chuyến bay trên bầu trời miền Bắc không phản ánh hết sức mạnh của Mỹ. Vai trò của CIA mới chỉ là hỗ trợ và cung cấp cho người Việt Nam tự thi hành nhiệm vụ. Quan điểm của McNamara là CIA "chỉ làm hời hợt mà không thật sự đưa một số lượng lớn vào Bắc Việt Nam đến mức có thể tạo ra tác động". Đây là sự nhận xét mang đậm dấu ấn McNamara. Con số là câu trả lời cho mọi thứ. Tại cuộc họp, Colby đã đứng dậy phản bác: "CIA đã đi đến kết luận rằng hoạt động gián điệp ở Bắc Việt Nam sẽ không mang lại kết quả. Ông Cục phó Cục Viễn Đông của tôi cho rằng "hãy chờ xem, điều đó thật vô nghĩa". Chúng tôi đã xem xét lại kinh nghiệm của chúng ta ở Bắc Triều Tiên, ở Liên Xô trong những năm cuối 1940, đầu 1950 và ở Trung Quốc - không có một nơi nào hoạt động của chúng ta thật sự tỏ ra thành công". Trong mỗi trường hợp, Colby chỉ ra "chúng ta phải đương đầu với những hệ thống xã hội độc tài, kỷ luật theo kiểu cộng sản"(2).
McNamara có cách nhìn hoàn toàn khác. Với ông, vấn đề ở đây là con số. Quân đội đã có cái mà họ cần: nguồn lực lực lượng, học thuyết về chiến tranh đặc biệt để gây sức ép tổng lực với Hà Nội. Bộ trưởng Quốc phòng tin rằng một nỗ lực ngầm với quy mô lớn sẽ tạo ra hoảng loạn bên trong Bắc Việt Nam và buộc Hồ Chí Minh ngừng ủng hộ hoạt động lật đổ ở miền Nam. Colby bác lại "Thưa ngài Bộ trưởng, tôi đã nghe những gì ngài nói, nhưng quả thật nó không mang lại kết quả. Hoạt động ngầm sẽ không mang lại kết quả trong kiểu xã hội này"(3). Colby đã đầu hàng. Xâm nhập vào địa bàn bị từ chối thật là quá khó khăn.
Kết luận số 273 của Hội đồng an ninh quốc gia là kết quả của Hội nghị Honolulu. Bản kết luận cho phép gia tăng các hoạt động ngầm chống lại miền Bắc. Tổng thống Johnson phê duyệt kết luận này vào 26-10, chỉ 4 ngày sau khi Kenedy bị ám sát. Theo bản ghi nhớ của Roger Hilsman, trợ lý ngoại trưởng về Viễn Đông, kết luận này đã khởi động toàn bộ chương trình hoạt động. Một kế hoạch chung của CIA và MACV về việc tăng cường các hoạt động ngầm chống lại miền Bắc sẽ được hoàn thiện ở Sài Gòn và chuyển về Washington vào 20-12. Các hoạt động bán quân sự ở Nam Lào chống phá đường mòn Hồ Chí Minh cũng được đưa vào kế hoạch này.
____________________________________________
1. Newman "JFK và Việt Nam", trang 314.
2, 3. Phỏng vấn lịch sử với Colby, trong “MACVSOG: phỏng vấn lịch sử với những sĩ quan phục vụ trong kế hoạch 34A của MACVSOG", trang 9.
--------------------------------------------------------------------------------
Ở Sài Gòn, Herb Weisshart được phó trung tâm CIA giao cho nhiệm vụ giúp hoàn tất bản kế hoạch CIA-MACV. Ông nhớ lại "Chúng tôi xem xét toàn bộ những gì CIA đang thực hiện chống lại Bắc Việt Nam... chúng tôi xây dựng một kế hoạch bắt đầu từ mức độ hiện có cho đến các giai đoạn có cường độ cao hơn". Bản kế hoạch này được triển khai khi “tình hình Nam Việt Nam rất nghiêm trọng". Nhiệm vụ của họ là tìm cách thúc đẩy các chương trình hiện tại trong bối cảnh cần chuyển sang các hoạt động có cường độ cao hơn(1). Những gì thu được từ cuộc họp Honolulu là một cú hích mạnh ở tầm chính sách cho kế hoạch 34A mà Bản tường trình của Lầu Năm Góc mô tả là “một chương trình chi tiết về các hoạt động bán quân sự chống lại Bắc Việt Nam". Bản tường trình nhấn mạnh những hoạt động này không phải là “một vài hoạt động sơ Sài tương tự như của CIA trong giai đoạn 1961-1963". Đây là sự đánh giá chính xác. Trên giấy tờ, Kế hoạch 34A rất "hấp dẫn". Kế hoạch này đưa ra hàng loạt các hoạt động ngầm phong phú và đa dạng nhằm quấy nhiễu, lật đổ và trừng phạt Bắc Việt Nam.
Bản kế hoạch đặt ra mục tiêu rất tham vọng: "thông qua việc dần gia tăng áp lực nhằm tạo ra sự trừng phạt ngày càng lớn đối với miền Bắc và tạo ra sức ép đến mức có thể thuyết phục giới lãnh đạo Hà Nội rằng việc chấm dứt chính sách gây rối ở miền Nam chính là phục vụ cho lợi ích của họ"(2). Để đạt được mục tiêu trên, các nhà vạch kế hoạch của MACV và CIA kiến nghị 5 loại hình hoạt động lớn.
Loại hình thứ nhất liên quan đến việc thu thập tình báo về Bắc Việt Nam. Những tin tức này được thu thập thông qua việc cài cắm điệp viên và thông qua các biện pháp điện tử, thu tin và viễn thông.
Thứ hai, hoạt động chiến tranh tâm lý nhằm vào cả hai mục tiêu là giới lãnh đạo và dân chúng Việt Nam để khai thác tối đa tác động và tạo ra sự chia rẽ. Theo chỉ đạo của Colby, CIA đã bắt đầu tiến hành một số hoạt động này vào năm 1963 và Kế hoạch 34A kiến nghị "tiếp tục các chương trình đã được CIA phê chuẩn" theo hướng "mở rộng các hoạt động này", bao gồm "việc hỗ trợ một phong trào chống đối (cả thật và giả)"(3).
Dạng thứ ba liên quan đến súc ép chính trị. Dạng này bao gồm các hoạt động bán quân sự chuyên sâu được vạch ra để làm cho Hà Nội ý thức được tính nghiêm trọng và giá phải trả cho sự tiếp tục dính líu vào Lào và Nam Việt Nam. Các hoạt động này bao gồm việc phá hoại các cơ sở kinh tế và an ninh quan trọng của Bắc Việt Nam. Nếu Hà Nội không bị thuyết phục thì sẽ có “các hành động trả đũa nặng nề hơn"(4).
Dạng thứ tư trở lại vấn đề thúc đẩy việc hình thành một phong trào chống đối. Hoạt động này được coi là khía cạnh chủ chốt của kế hoạch được đề ra: "Điều được mọi người thừa nhận là sự phát triển thành công của một phong trào chống đối ở Bắc Việt Nam với tư cách là một bộ phận không tách rời của Kế hoạch 34A có thể mang lại sức ép hữu hiệu đối với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, buộc giới lãnh đạo Hà Nội phải đánh giá lại và chấm dứt chính sách xâm lược của họ"(5). Các nhà vạch kế hoạch của MACV và CIA cho rằng đây là chìa khoá của cả kế hoạch tổng thể. Thúc đẩy phong trào chống đối là cách để làm tăng "nhiệt độ” ở Hà Nội.
Cuối cùng là hoạt động phá hoại thông qua việc tập kích đường không và đường biển cùng với hoạt động thám báo phối hợp với không kích nhằm vào Bắc Việt Nam.
Ở giai đoạn đầu, Kế hoạch 34A dự kiến kéo dài một năm chia ra làm ba giai đoạn, mỗi giai đoạn bốn tháng theo hướng dần gia tăng cường độ. Để thực hiện kế hoạch cần phải hình thành một bộ máy, mặc dầu chưa ai rõ tổ chức đó sẽ như thế nào. Khi nhìn lại, đây chính là điểm đã bị bỏ qua.
Ý tưởng gây sức ép trực tiếp đối với Hà Nội rất cuốn hút Lyndon Johnson, nhưng ông quyết định xúc tiến một cách thận trọng. Ngày 21-12-1963, tổng thống giao cho một Uỷ ban liên bộ nghiên cứu Kế hoạch 34A để "chọn ra những hoạt động ít rủi ro nhất". Chủ tịch Uỷ ban là thiếu tướng Krulak, trợ lý đặc biệt của Lầu Năm Góc về chống bạo loạn và hoạt động đặc biệt. Ngày 2-1-1964, bản báo cáo của Uỷ ban phản ánh sự thận trọng của Johnson. Báo cáo đã chọn ra những hoạt động ít nguy hiểm nhất để tiến hành và kiến nghị giai đoạn một của hoạt động ngầm chống lại Bắc Việt Nam bắt đầu vào 1-2-1964.
Bản kế hoạch còn được McConé, McNamara, Rusk và Mac Bundy xem xét và những ý kiến của họ được chuyển cho tổng thống trong tờ trình ngày 3-1. Theo Bundy, tất cả đều "nhất trí đề nghị tổng thống phê chuẩn kế hoạch"(6).
Tuy nhiên, như người ta vẫn thường nói, sai sót hay nằm ở những chi tiết. Trước hết, không phải ai cũng đánh giá cao khả năng thành công. McNamara thì "rất hăng hái". Còn Giám đốc CIA McCone lại cho rằng "những nỗ lực dạng này sẽ không mang lại kết quả gì ghê gớm". Ngoại trưởng Rusk thì coi những hoạt động này là quan trọng vì "sẽ giúp thuyết phục Hà Nội rằng chúng ta sẽ không từ bỏ cuộc chiến", nhưng ông chỉ ra rằng “98% của vấn đề là ở miền Nam" chứ không phải ở miền Bắc. Bundy ủng hộ và muốn các nhân viên trên chiến trường bắt đầu triển khai hoạt động. Nhưng ông cũng yêu cầu toàn bộ chương trình cần được giám sát một cách chặt chẽ “trong phạm vi chức năng giám sát mọi hoạt động bí mật của Nhóm đặc biệt 303"(7).
________
Sự khác biệt trong đánh giá chính sách ở cấp cao nói trên cũng được thể hiện ở chỗ các quan chức lãnh đạo có những bảo lưu về một số khía cạnh cực kỳ quan trọng của Kế hoạch 34A. Tất cả những ý kiến tham gia về việc triển khai phong trào chống đối vốn được coi là thành tố thiết yếu của Kế hoạch 34A, đều không được thể hiện trong tờ trình. Đã có những lo ngại rằng nếu Hoa Kỳ tỏ ra quá mạnh tay trong việc sử dụng hoạt động bí mật trong lòng miền Bắc, Hà Nội có thể đẩy mạnh chiến tranh ở miền Nam.
Thêm vào đó, Washington cần phải thận trọng để không tiến hành các hoạt động quá lộ liễu đến mức không phủi tay được. Rồi còn có sự lo lắng về phản ứng của Trung Quốc nếu hoạt động ngầm của Mỹ bắt đầu gây bất ổn thực sự ở Bắc Việt Nam. Liệu Trung Quốc có đến giúp Hà Nội và do đó tái diễn cuộc chiến tranh Triều Tiên không?
Tương tự như vậy, các ý kiến khác nhau về hoạt động bí mật ở Lào chống đường mòn Hồ Chí Minh cũng không được nêu trong tờ trình. Đã có ý kiến lo ngại về việc làm đảo lộn hiệp định Hariman. Hoa Kỳ là người trung gian cho hiệp định, và nếu bị bắt quả tang là người vi phạm, chính quyền sẽ gặp phải tình huống thật khó xử.
Vào giữa tháng Giêng năm 1964, Lyndon Johnson phê chuẩn kiến nghị của McCone, McNamara, Rusk, và Bundy được nêu trong báo cáo của Uỷ ban Krulak. Chương trình hành động của Kế hoạch 34A bao gồm "tổng cộng 72 loại hoạt động và nếu được thực hiện sẽ có 2.962 điệp vụ riêng biệt được tiến hành trong 12 tháng đầu tiên. Trong số 72 loại hoạt động đó, có 33 loại được phê duyệt cho thực hiện ở giai đoạn một"(8 ).
Ba năm sau khi Kenedy chỉ thị cần có một chương trình hoạt động bí mật nghiêm túc chống lại Hà Nội, cuối cùng thì bản kế hoạch hành động để thực hiện mong muốn đó của tổng thống đã được Johnson cho phép tiến hành. MACV được Washington giao trách nhiệm thực hiện Kế hoạch 34A nhưng chưa có bộ máy tổ chức để thực hiện nhiệm vụ. MACV gần như phải bắt đầu từ con số không.
Ngày 24-1-1964, Bộ chỉ huy MACV ở Sài Gòn ra chỉ thị số 6, thành lập một tổ chức hết sức bí mật để tiến hành các hoạt động ngầm. Tổ chức này mang một cái tên rất giản dị "Nhóm nghiên cứu và quan sát" thuộc MACV, và thường được biết đến dưới cái tên viết tắt là MACVSOG, hay đơn giản hơn là SOG.
___________________________________
1. Newman, JFK và Việt Nam, trang 446-448.
2. Gravel. Giấy tờ của Lầu Năm Góc: Lịch sử Bộ Quốc phòng về việc vạch chính sách đối với Việt Nam", tập 3, trang 149.
3, 4, 5. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, "Nghiên cứu tài liệu của MACVSOG", tháng 7-1970 phụ lục Aa/pt.IV, Nhóm nghiên cứu và quan sát của Bộ chỉ huy viện trợ quân sự và Cục kỹ thuật chiến lược: hình thành, tổ chức và phát triển", trang 150, 151.
6, 7. Gravel, Giấy tờ của Lầu năm góc: “Lịch sử Bộ Quốc phòng về việc vạch chính sách đối với Việt Nam", tập 3, trang 151.
8. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, "Nghiên cứu tài liệu của MACVSOG”, tháng 7-1970, phụ lục A/pt.IV, "Nhóm nghiên cứu và quan sát của Bộ chỉ huy viện trợ quân sự và Cục kỹ thuật chiến lược: hình thành, tổ chức và phát triển”, trang 151.